Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn 

Gia tăng tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Minh Nguyệt nêu câu hỏi: Năm 2020, tỉnh ta có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 15,6%. Vậy tỉnh có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - Lê Viết Bắc nhìn nhận, có sự gia tăng tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cụ thể từ 14,9% (giai đoạn 2010- 2015) tăng lên 15,6% (giai đoạn 2015- 2020). Ông Bắc cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do nhiều gia đình có tư tưởng muốn đông con và có con trai nối dõi tông đường, trong đó có cán bộ, công chức và đảng viên.

Về chế tài, ông Lê Viết Bắc cho rằng, Luật Dân số chưa được ban hành, người vi phạm sinh con thứ 3 trở lên chế tài chỉ mới dừng lại ở mức xử lý đảng viên theo quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đối với cán bộ không phải là đảng viên và người lao động thì mới xử lý ở mức xem xét thi đua thông qua các nội quy, quy chế và cộng đồng dân cư thông qua hương ước, quy ước văn hóa. “Biện pháp chế tài xử lý người vi phạm sinh con thứ 3 trở lên chưa đủ sức răn đe dẫn đến tỉ lệ này tăng cao”- ông Bắc khẳng định.  

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Lê Viết Bắc cho biết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác dân số, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, rà soát các đơn vị có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao để chỉ đạo có trọng điểm với hoạt động cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số…  

Gải quyết bài toán ô nhiễm chợ đầu mối Phú Hậu

Đại biểu Trần Đức Minh đặt câu hỏi: Hiện nay chợ đầu mối Phú Hậu và lò mổ gia súc ô nhiễm nặng, cử tri rất bức xúc. Kế hoạch di dời đã được thực hiện chưa và biện pháp đảm bảo môi trường khu vực này như thế nào?

Đại diện UBND TP. Huế cho biết, hiện UBND tỉnh đang hoàn thiện thủ tục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2 của dự án Chợ đầu mối Phú Hậu.

Riêng kế hoạch di dời lò mổ, trong thời gian chờ di dời đến khu giết mổ tập trung (tỉnh đã quy hoạch), UBND TP. Huế chỉ đạo đơn vị chủ quản nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, phun hóa chất, khử mùi, vệ sinh tại lò mổ thường xuyên. Quan trắc chất lượng nước thải đầu ra  hàng quý đạt quy chuẩn.

Hiện nước thải từ kinh doanh ngành hàng măng chua ở chợ đầu mối Phú Hậu rất khó xử lý. Do hệ thống nước thải không được xử lý triệt để, cần được cải tạo, nâng cấp. UBND TP. Huế chỉ đạo kết thúc hoạt động kinh doanh cần vệ sinh và sử dụng chế phẩm sinh học EM phun khử mùi.   

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chỉ đạo, trước mắt chưa có thời gian di dời cụ thể và chưa có kế hoạch xây dựng giai đoạn 2 của Chợ đầu mối Phú Hậu thì UBND TP. Huế cần phối hợp với chủ đầu tư quan tâm đến việc vệ sinh môi trường, tránh gây bức xúc cho cử tri. 

Tỉ lệ thụ hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đại Vui riêng gói hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa giải ngân hết 50% trong tổng số vốn 26 tỷ đồng trong khi thời gian không còn nhiều

Đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn nêu câu hỏi: Thời gian qua HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản suất kinh doanh. Tuy nhiên các nghị quyết này vẫn chưa đi vào cuộc sống, tỉ lệ được thụ hưởng chưa cao. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và hướng giải quyết trong thời gian tới?  

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, riêng lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dự toán chi giai đoạn 2017-2020 là 26 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn giải ngân đến cuối tháng 11/2020 mới chỉ 12,6 tỷ đồng (mới đạt 48,5%). Hiện cơ quan hữu quan đang thẩm định cho 15-20 dự án (đề nghị hỗ trợ khoảng 8 tỷ đồng).  

Sở dĩ “có vốn mà tiêu không được”, theo ông Nguyễn Đại Vui là do hằng năm dự án, công trình được các địa phương đăng ký tương đối nhiều. Tuy nhiên, thực tế công trình, dự án được đầu tư và triển khai rất ít, mặt khác một số cơ sở, công trình được đầu tư và đề nghị hỗ trợ nhưng không đủ điều kiện.

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa mạnh dạn đầu tư do chính sách hỗ trợ sau đầu tư nên người dân có tâm lý băn khoăn, điều này có liên quan đến việc quy định rõ thủ tục để pháp lý hóa văn bản cam kết hỗ trợ của cấp có thẩm quyền. 

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn cho rằng đây là chủ trương lớn về chính sách của tỉnh, mỗi nghị quyết đưa ra đều được HĐND tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng. Vấn đề là nguồn lực không thiếu nhưng tỉ lệ giải ngân rất thấp, chưa tương xứng. Cần xem tại phương thức thanh toán, xúc tiến, thứ tự ưu tiên… Đề nghị UBND tỉnh rà soát, có sự điều chỉnh, bổ sung với mong muốn chính sách phải đến được người thụ hưởng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh cho tổ chức sơ kết từng đề án cụ thể, xem vướng khâu nào khiến nghị quyết chưa đi vào cuộc sống. Cần phân cấp rõ ràng hơn; nếu địa phương nào không thực hiện thì chuyển nguồn vốn cho địa phương khác.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá, các câu hỏi rõ ràng, người được phân công trả lời đã đi vào trọng tâm, trọng điểm. Đề nghị UBND tỉnh rà soát để triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu của cử tri và nhân dân.

Bài, ảnh: Thái Sơn