Game giải trí nhưng nhiều tác hại

Chơi "game" giúp giải trí nhưng để lại nhiều tác hại khôn lường với bạn trẻ

Vừa la mắng, vừa tỉ tê khuyên nhủ, theo lời ba, mình miễn cưỡng tìm hiểu xem "game" là gì, chơi nó lợi hại ra sao. Những gì xem, đọc được khiến mình như bừng tỉnh...

Trò chơi điện tử - một cụm từ quá quen thuộc với giới trẻ hiện nay. Không khó để ta có thể bắt gặp được một nhóm các học sinh ở trong các quán game cả ngày lẫn đêm để “cày level". Có cảm giác dường như các bạn trẻ chỉ muốn thỏa mãn thú vui của mình mà không quan tâm đến những hệ lụy về sau. Hậu quả rõ ràng nhất là vào ngày 5/11/2019, 1 học sinh 17 tuổi sống tại Thái Lan đã tử vong, nguyên nhân vì đột quỵ do chơi điện tử suốt đêm!

Vậy trò chơi điện tử là gì? Tác hại của nó ra sao?

Trò chơi điện tử là những chương trình được lập trình trên máy tính hay điện thoại, giúp người chơi giải trí, xả stress sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, thời đại công nghệ 4.0 thúc đẩy quá trình phát triển các trò chơi này nhanh gấp nhiều lần. Công nghệ đã “sáng tạo” ra nhiều trò chơi với lối đồ họa đẹp mắt, nhịp độ nhanh, kích thích sự ham muốn của người chơi dẫn đến có thể gây nghiện.

Khảo sát Dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Viện Xã hội học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội “đặt hàng”, cho biết: “Người chơi games tập trung vào nhóm trẻ (dưới 20 tuổi) chiếm 68,4% và phần lớn thuộc nhóm 16-20 tuổi (chiếm 42,1%), hơn 26% là những trẻ trong nhóm từ 10 đến 15 tuổi. Tỷ lệ người chơi "game" đang đi học chiếm hai phần ba (71,7%) và phần lớn là đối tượng học sinh, sinh viên”.

Trò chơi điện tử ban đầu được sinh ra với mục đích giải trí nhưng với sự lạm dụng và không chừng mực của giới trẻ, nó đang dần trở thành thứ “ma túy” mới.

Công nghệ làm game ngày càng trở nên hấp dẫn khó cưỡng

Công nghệ làm nhiều game ngày càng trở nên hấp dẫn đến khó cưỡng đối với bạn trẻ (hình minh họa)

Thứ nhất, trò chơi điện tử làm ta mất nhiều thời gian và tiền của. Không khó để nhận ra khi mà hiện nay có rất nhiều học sinh, sinh viên nghiện game không dành thời gian cho học tập, bỏ hết tiền bạc để mua các thứ gọi là “vật phẩm” trong "game". Do nghiện "game", cần tiền nên một số bạn thậm chí còn có những hành vi trái với chuẩn mực xã hội như trộm cắp, giết người.

Thứ hai, chơi trò chơi điện tử nhiều sẽ làm mất đi nhiều mối quan hệ tốt trong xã hội, thường xuyên cáu gắt và gây bất ổn trong gia đình. Việc chìm đắm trong thế giới ảo sẽ khiến con người nhầm lẫn với thế giới thực, người nghiện "game" sẽ trở nên trầm tính, dễ có những xung đột với người xung quanh.

Thứ ba, chơi trò chơi điện tử với mật độ dày trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất ngủ, mệt mỏi, trí nhớ suy giảm, mất tập trung, gây rối loạn thần kinh. Và không chỉ vậy, trò chơi điện tử còn gây rất nhiều tác hại đằng sau đó nữa.

Trò chơi điện tử vẫn tiếp tục trên đà phổ biến với mọi lứa tuổi, nhiều “giải đấu thể thao điện tử” được mở ra, nhiều người còn coi chơi "game" là một nghề kiếm ra tiền… Tuy nhiên, việc cân bằng giữa trò chơi điện tử và học tập, làm việc vẫn là điều cần thiết.

Trò chơi điện tử không xấu, nhưng những tác hại của nó thì không thể chối cãi. Hãy là một người trẻ thông minh, chơi "game" chuẩn mực.

                                                                                                 Tường Sanh (HS Trường PTTH Hai Bà Trưng)