Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Mọi đảng viên bình đẳng trước kỷ luật xử lý một người là cứu muôn người”. Ảnh: VOV

1. Hình thành phe nhóm là quy luật tất yếu trong quan hệ xã hội. Chỉ khi nào xã hội phát triển cao, không còn giai cấp, không còn nhà nước mới hết phe nhóm. Đó chính là một xu thế tự nhiên giữa những người có chung hoặc không chung xu hướng, quan điểm, lợi ích dễ hình thành các phe nhóm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Xã hội ngày nay cũng nằm trong quy luật chung đó, không kể thể chế chính trị. Nhìn ra thế giới, có nhiều nước một đảng hoặc đa đảng. Đảng nào ở thế thượng phong, thu hút đông đảng viên và có cương lĩnh phù hợp thì có xu thế giành quyền lãnh đạo đất nước.

Nhiều phần tử hồ đồ chỉ trích chỉ có ở xứ sở Cộng sản mới có phe nhóm và đấu đá nhau để giành quyền lực. Nhưng nhìn sang nước Mỹ trong đợt bầu cử Tổng thống vừa qua sẽ thấy rõ hơn về xã hội chủ nghĩa hay xã hội tư bản mới có cạnh tranh quyền lực. Mỗi ứng cử viên Tổng thống ra tranh cử thì sau lưng là những tập đoàn kinh tế, những thế lực tài phiệt tài trợ kinh phí khổng lồ cho vận động để giành lợi thế. Thực tế nước Mỹ có rất nhiều đảng nhưng chỉ 2 đảng là Dân chủ và Cộng hòa cạnh tranh nhau cầm quyền, các đảng khác không có thế lực, không đủ tài chính đều phải đứng ngoài cuộc.

Xã hội Việt Nam năm 1945 cũng có nhiều đảng phái hoạt động, trong đó nhiều đảng đối lập với Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Có không ít đảng chấp nhận xu thế, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên đã bắt tay với Việt Minh chống thực dân, đế quốc. Hiện nay, ở nước ta, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có hàng trăm tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoạt động, tham gia những hoạt động xã hội khác nhau. Những tổ chức này bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đại đa số người dân, đồng hành với Đảng trong phát triển đất nước.

2. Một chính đảng cầm quyền phải thể hiện sự trong sạch, vì quyền lợi của đất nước, của Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện mọi mặt xã hội nên càng phải thể hiện vị thế chính trị tuyệt đối của mình. Muốn làm được điều đó, Đảng phải tự làm trong sạch chính mình, đấu tranh với những phần tử đi ngược lại lợi ích dân tộc. Trong những năm gần đây, cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, Đảng đã củng cố, chỉnh đốn, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh. Các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), những quy định mới về xây dựng tổ chức, đặc biệt là quyết tâm chống tham nhũng, chống thoái hóa, biến chất là cụ chế hóa về những chủ trương đó. Những ai có tầm nhìn đúng đắn, khách quan đều thấy rõ bản chất thực sự của sự trong sáng, không thể gọi là “đấu đá” trong nội bộ Đảng hiện nay.

Những chủ trương đến hành động mạnh mẽ, quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương đã được triển khai sâu rộng nhằm chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, nhất là chống tham nhũng. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ XII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 27/11/2020 cho thấy, đã kiểm tra hơn 26 ngàn tổ chức Đảng, hơn 1,2 triệu đảng viên. Qua đó, kỷ luật hơn 1,3 ngàn tổ chức Đảng và hơn 70 ngàn đảng viên vi phạm. Đặc biệt là kỷ luật, xử lý hình sự 110 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý; có 4 ủy viên và cựu ủy viên Bộ Chính trị, 27 tướng lĩnh công an, quân đội, anh hùng lực lượng vũ trang, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn lớn. 

Kỷ luật và xử lý hình sự người đương chức hoặc đã nghỉ hưu cho thấy rõ quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không hạ cánh an toàn” khi đã vi phạm là quan điểm đúng đắn của Đảng. Kỷ luật của Đảng, xử lý pháp luật được thực thi nghiêm minh, đúng đối tượng làm cho đối tượng bị xử lý dù ở cấp nào cũng đều “tâm phục, khẩu phục”. Không ít kẻ trước vành móng ngựa đã cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhân dân, xin lỗi đồng chí lãnh đạo. Và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại trong hội nghị mới đây: “Mọi đảng viên bình đẳng trước kỷ luật”, “Xử lý một người là cứu muôn người”...

Rõ ràng, Đảng nghiêm túc xử lý người vi phạm nên không thể nói là “thanh trừng” phe phái, không thể gọi đó là “đấu đá” trong Đảng. Nếu có “đấu đá” thì có chăng là sự đấu tranh quyết liệt của những người giữ được phẩm chất, lý tưởng cộng sản chống lại những kẻ suy thoái, tham nhũng, làm mất thanh danh của Đảng. Đó là sự đấu tranh loại bỏ những mầm mống xấu, bảo vệ và phát huy tính tích cực, phấn đấu vì sứ mệnh cao cả của Đảng. Nhìn vào đây có thể thấy thế thượng phong của lực lượng chân chính trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng hiện nay. Cuộc đấu tranh tự làm trong sạch trong Đảng đang được toàn dân ủng hộ, được giới chính trị quốc tế đánh giá cao. Sự trong sáng, minh bạch đó chính là tiền đề cho thu hút đầu tư, góp phần tích cực để xây dựng đất nước phát triển.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH