Châu Á - Thái Bình Dương với những chiến lược đúng đắn sẽ nổi lên thành siêu cường hậu đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Về vấn đề này, Giám đốc cao cấp của Công ty Kiểm toán E&Y khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Patrick Winter cho rằng, đây có thể được xem như một thời điểm đột phá cho khu vực, khi tận dụng những kinh nghiệm đã có và tích lũy được từ các đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) để xây dựng kế hoạch phát triển các nền kinh tế trong khu vực.

Theo Giám đốc Patrick Winter, hiện có một “cơ hội tốt chưa từng có” để định hình lại khu vực thông qua lăng kính môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Thưa ông, nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang phục hồi như thế nào từ sau đại dịch?

Về cơ bản, đại dịch đã thay đổi hình dạng nền kinh tế toàn cầu của chúng ta. Hiện có một cơ hội chưa từng có trên toàn châu Á – Thái Bình Dương để tái hình dung lại thế giới và từ đó điều hướng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Phản ứng của chính phủ đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước nhìn chung tương đối khác nhau ở từng quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, một số nước phục hồi tương đối nhanh chóng, trong khi những nước khác lại cần khá nhiều thời gian. Tuy nhiên khi thoát khỏi đại dịch này, mỗi nền kinh tế trong khu vực đều có một cơ hội rất riêng biệt để xây dựng nền móng cho một tương lai bền vững, ổn định, thay vì chỉ nhìn vào kết quả rằng một nhóm các nền kinh tế này đang phục hồi nhanh hơn các nền kinh tế khác.

Tôi tin tưởng rằng, một tương lai mới của nhiều nước trên khắp châu Á sẽ được thực hiện thông qua lăng kính của 3 yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính phủ và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một nền kinh tế năng suất và linh hoạt hơn, cung cấp cho lao động kỹ năng tốt hơn, cao hơn, kết hợp sử dụng công nghệ để tạo công ăn việc làm, thúc đẩy năng suất, trong khi vẫn mang lại cơ hội xây dựng một tương lai xanh hơn.

Liên Hiệp Quốc cho rằng chuyển qua nền kinh tế Carbon thấp, có khả năng phục hồi sẽ tạo ra khoảng 65 triệu việc làm trên toàn cầu trong giai đoạn bắt đầu từ nay đến năm 2030. Vì vậy, cơ hội việc làm lúc này là rất lớn.

Ông nghĩ rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương có lợi thế gì khi vượt qua đại dịch?

Theo tôi, châu Á – Thái Bình Dương trong 2-3 năm qua đã trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Khu vực đã đóng góp 67% tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong thời gian sắp tới, châu Á – Thái Bình Dương sẽ sớm chiếm 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Điều này xảy ra được là nhờ khu vực có hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Nhật Bản

Đồng thời, khu vực cũng đã và đang xây dựng cơ sở phục hồi kinh tế từ những trải nghiệm về đại dịch đã đối mặt trong quá khứ.

Vì vậy, khu vực thực sự đang nổi lên như một siêu cường toàn cầu.

Những gì tôi kỳ vọng sẽ là một cơ hội chưa từng có để tái lập lại tương lai và khả năng cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có thể quản lý hiện trạng, vượt qua sự gián đoạn gây nên bởi đại dịch COVID-19. Điều này sẽ giúp khu vực đạt được một vị trí cực kỳ mạnh mẽ và vững chắc trong vòng 20 năm tới, sẵn sàng ghi dấu trở thành khu vực thống trị của nền kinh tế toàn cầu.

Phản ứng hiệu quả hơn đối với đại dịch COVID-19 ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ tạo nên cơ hội đó.

Vậy liệu thế giới mới sẽ có hình dạng như thế nào? Thương mại sẽ thay đổi thế nào do đại dịch?

Nếu gom những thay đổi do đại dịch COVID-19 gây ra và nhìn lại những tiến bộ công nghệ mà chúng ta đã có được trong vòng 5-7 năm qua, đặc biệt là 2 năm trở lại đây, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến đến một thế giới mới, trong đó tập trung nhiều hơn vào công nghệ và nền kinh tế số.

Về thương mại, một điều đáng lo ngại là ở nhiều nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, dòng chảy thương mại bị gián đoạn tương đối nhiều. Các nền kinh tế bị ảnh hưởng không chỉ bởi những vấn đề của cách quản lý, mà còn chịu tác động nghiêm trọng do thương mại trì trệ do đại dịch COVID-19 gây ra. Tôi không nói rằng, bất kỳ ai hay bất kỳ nước nào đã có sự thể hiện kém, nhưng trên thực tế, tác động tiêu cực của việc thương giảm tăng trưởng đang được cảm nhận rõ ràng ở Đông Nam Á.

Vì vậy, trong lúc thế giới cần châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phát triển, thì thế giới cũng cần các nền kinh tế lớn như Mỹ phải phát triển để đóng góp giúp đạt được trạng thái cân bằng của thương mại hội nhập.

Để thế giới vận hành tốt, thế giới cần thương mại cởi mở và tự do được thiết lập giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Vì lợi ích xã hội và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới, chúng ta thực sự không cần và không mong chờ các cuộc tranh đấu, căng thẳng thương mại giữa các siêu cường. Điều chúng ta cần lúc này là các nền kinh tế lớn làm việc cùng nhau để tạo nên một môi trường thương mại mở cửa và tự do.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Nikkei News)