Người dân đến kê khai các thủ tục liên quan đến thuế tại Chi cục Thuế khu vực Hương Phú. Ảnh: Linh Đan

Bối cảnh ra đời của chỉ thị này là tình hình kinh tế có những dấu hiệu khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn thu có khả năng bị ảnh hưởng, mà nhìn thấy rõ nhất là từ thuế tiêu thụ đặc biệt trên địa bàn (đây là một nguồn thu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách). Chỉ thị này chỉ đạo cần phải thận trọng trong cân đối chi (không nói đến thu), mà nói “thẳng ra” là “thắt chặt chi tiêu”!

Tìm đọc lại Chỉ thị của UBND tỉnh, thấy nêu rất rõ quan điểm này qua phương châm điều hành ngân sách, tức là điều hành việc thu và việc chi: Điều hành ngân sách theo phương châm “thu giảm, chi giảm”. Các đơn vị hưởng ngân sách phải tiết kiệm 10% trong 8 tháng cuối năm. Ngay nguồn đầu tư xây dựng cơ bản cũng phải giảm đối với những công trình chưa thật sự cấp bách.

Những năm gần đây, mỗi năm ngân sách đều tiết kiệm chi 10%, chủ yếu là chi thường xuyên. Chi ngân sách Nhà nước nhiều nhất là ở khoản mục này, chiếm khoảng 80% (ở tỉnh ta, chi thường xuyên năm 2020 ước tính chiếm khoảng 66% trong tổng chi ngân sách địa phương). Ở nhiều đơn vị hưởng từ ngân sách, họ cố bảo vệ chỉ tiêu ngân sách của đơn vị mình hàng năm với nhiều lý lẽ rất hợp lý. Nhưng một khi đã được thông qua rồi thì có khi sử dụng vào nhiều việc không hợp lý, không mấy tiết kiệm, lãng phí, thậm chí là chi sai. Có lẽ, các đơn vị quản lý ngân sách “thừa biết” tình trạng này nên không “động viên” nữa mà ra lệnh bằng một mệnh lệnh hành chính - năm nay duyệt ngân sách cho đơn vị anh mười đồng thì cắt ngay một đồng (10%), chỉ còn cấp chín đồng thôi.

Chỉ thị là vậy, nhưng đến thời điểm này (gần cuối năm 2020), chúng ta thử xem lại Chỉ thị “Điều hành chi chặt chẽ” của Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện được mức độ nào?

Nhìn lại, tổng chi ngân sách địa phương cũng như tất cả các khoản chi như chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên đều có mức tăng so với kế hoạch đề ra, tuy rằng có mức tăng rất nhẹ. Về chi đầu tư: chi vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương quản lý là 3.553 tỷ đồng, tăng 4,5% so với kế hoạch, nghĩa là chi tăng chỉ khoảng 12,6 tỷ đồng; chi thường xuyên là 6.860 tỷ đồng, vượt 1,6% dự toán.

Mức chi tiêu ngân sách như nêu trên xem ra là khá hợp lý trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường như năm 2020. Dịch bệnh kéo dài suốt một năm nay cho đến bây giờ vẫn còn là một ẩn số!

Chưa năm nào mà thời tiết bão lũ triền miên gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống người dân bị tác động nhiều như năm nay… nên cần đến chi tiêu nhiều hơn. Một điều nữa cho thấy việc điều hành chi tiêu hợp lý, đó là, trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng GRDP của tỉnh vẫn tăng, ước tính vào khoảng 2,06%; thu ngân sách vẫn tăng, ước thu đạt 8.455 tỷ đồng, vượt 11,2% dự toán, tăng 0,7% cùng kỳ năm trước. Việc cơ cấu thu ngân sách có bền vững hay không bền vững là chuyện “tính toán sau” nhưng trong tình hình nhiều biến động như năm 2020, việc tăng thu vẫn là điều đáng mừng!

LÊ PHƯƠNG