Phòng xét xử TAND TP. Huế hôm ấy chỉ có các bên đương sự, nhưng không khí bức bối, nặng nề. Bởi lẽ, họ là ruột thịt, anh em trong một gia đình, nhưng lại đưa nhau ra tòa để tranh chấp tài sản.

Chuyện là, người cha có 4 con, 1 gái 3 trai. Con trai trưởng của ông mất sớm (và có 1 đứa con trai, tức cháu nội đích tôn của ông). Người cha có 2 thửa đất (mỗi thửa tầm 1.000m2, chưa có sổ đỏ). Trong đó, 1 thửa do cha mẹ của ông để lại, trên đất có nhà thờ. 1 thửa do ông mua của ông S. vào năm 1987 (thửa đất này ông cho con trai thứ hai ở nhờ). 

Trước khi mất, người cha để lại di chúc, phân chia tài sản cho hai con trai và cháu nội đích tôn. 2 thửa đất nêu trên chia thành 4 phần. Thửa đất do tổ tiên để lại, ông chia cho con trai út 500m2 (toàn quyền sử dụng, định đoạt); 500m2 còn lại, trên đất có nhà thờ, giao cho cháu trai đích tôn quản lý, sử dụng để lo thờ tự (không được kinh doanh, sang nhượng, mua bán).

Thửa đất thứ 2, ông giao cho con trai thứ 500m2 (toàn quyền sử dụng, định đoạt); 500m2 còn lại của thửa đất này, giao cho con trai út và cháu đích tôn quản lý, sau đó sẽ bán để lo hậu sự khi ông qua đời và lo chi phí thờ cúng ông bà, sửa sang nhà thờ, xây lăng đắp mộ.

Thế nhưng sau khi cha mất, vợ chồng con trai thứ (người anh) cho rằng, di chúc trên là giả, rằng thửa đất 1.000m2 họ đang ở (mua của ông S) là do họ tạo lập. Vì thửa đất trên chưa có sổ đỏ, lại vướng tranh chấp, nên di chúc vô hiệu. Nhiều năm trôi qua, anh em ruột thịt trong nhà không giải quyết được, nên người anh đứng nguyên đơn, khởi kiện yêu cầu tòa án xác định quyền sở hữu thửa đất trên thuộc về ông.

Không khí phiên tòa càng bức bối, nặng nề hơn, khi “phía” người anh “ném” về “phía” người em: “đồ ăn cướp”, “người chi mà hám, đất của họ mà ăn cướp cho bằng được”. Đứng về phía bị đơn, người chị gái trình bày: Dù cha không hề để lại cho bà mét đất nào, bà cũng không có ý kiến gì. Cả đứa cháu đích tôn, cũng chỉ được giao đất để ở mà thờ tự, không được sở hữu, mua bán. Một phần đất cũng được giao quyền để con trai út và cháu đích tôn bán, lo xây mồ mả, giỗ chạp. Vậy mà “có người” (ý nói nguyên đơn) lại tham lam, muốn chiếm hết. Bây giờ, nhà thờ dột nát, xuống cấp. Mồ mả cha, mẹ cũng đang là mồ đất, chưa xây được cho tươm tất. Vậy mà cứ tranh chấp như thế này, không nỗi buồn nào buồn hơn.

Trong phiên xét xử, nữ thẩm phán vẫn tiếp tục hòa giải. Bà phân tích: Đều là anh em, không thể hôm nay vì vài trăm mét đất, mà hôm sau đến giỗ cha mẹ không ai nhìn mặt nhau, không ai tới nhà thờ. Hôm nay, dù có ai thắng đi nữa, cũng là nỗi đau của gia đình, mong mọi người suy nghĩ lại. Đồng thời, thẩm phán nhấn mạnh: Khi tòa tuyên án, thì sẽ có bên thắng bên thua. Dù thắng hay thua, tình cảm cũng đều mất hết. Hai bên có đồng ý suy nghĩ lại lần nữa, xem có thỏa thuận được không?

Tòa cũng nói với con trai của nguyên đơn, đừng để tranh chấp của đời này ảnh hưởng xấu đến tình cảm, mối quan hệ máu mủ của thế hệ con, cháu sau này. “Căn cứ theo luật, tòa vẫn giải quyết. Nhưng tòa muốn anh em trong nhà có cơ hội ngồi lại với nhau”- thẩm phán nói.

Thế nhưng tất cả mọi cố gắng hòa giải như đổ sông đổ bể khi đương sự vẫn khư khư: “Đã ra đến đây rồi, là hết tình cạn nghĩa. Tòa cứ theo luật mà xử”.

Thực tế xét xử cho thấy, chuyện ruột thịt đưa nhau ra tòa tranh chấp tài sản, tranh chấp thừa kế, “nồi da xáo thịt” xảy ra không ít. Đây không chỉ là nỗi đau của riêng của gia đình đó, mà là “ung nhọt” tạo ra sự bất an trong xã hội, đáng lên án. Bởi lẽ, đôi khi không chỉ máu mủ bị “cắt” đứt, mà tranh chấp còn có thể gây ra những vụ án hình sự nguy hiểm như giết người, cố ý gây thương tích.

Quỳnh Anh