Ô tô khách chạy tuyến cố định tại Bến xe phía Nam TP. Huế

Chưa nề nếp

Toàn tỉnh hiện có hơn 700 doanh nghiệp, HTX, cá nhân được cấp phép KDVT với trên 7.000 phương tiện, góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Song thực tế vẫn còn một số DN vi phạm các quy định về KDVT khiến ngành chức năng khó phát hiện, xử lý. Đơn cử như, các DN vận tải hoạt động theo tuyến cố định phải vào bến đón, trả khách thì những xe vận tải dịch vụ... thường lách luật đón, trả khách không đúng nơi quy định, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bức xúc dư luận hiện nay là tình trạng “xe ké” đang nở rộ. Những chiếc xe này loại 5-7 chỗ chẳng cần cấp phép, không đăng ký bến bãi, không đóng thuế phí…, trá hình xe hợp đồng công khai hoạt động như tuyến cố định liên tỉnh Huế- Đà Nẵng, Huế-Quảng Trị, hoặc Huế đến các tỉnh, thành khác. Phương thức hoạt động của “xe ké” này tiện cho khách là chỉ cần gọi điện đặt chỗ, sau đó được đón tận nhà và trả tận nơi.

Lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra xử lý các ô tô trá hình

Chủ một nhà xe hoạt động tuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19, phần nữa là tình trạng “xe ké” lấn át nên lượng khách tuyến này giảm sâu. Hiện nay có những chuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng khi xuất bến chỉ từ 5-7 khách. Chủ xe này nói: Nếu các lực lượng chức năng buông lỏng, không thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý thì “xe ké” vẫn hoạt động đều đặn, làm cho họ rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, muốn bỏ nghề.

Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HXT Ô tô Huế, người có kinh nghiệm trong nhiều năm trong hoạt động KDVT nhận định, phần lớn các đơn vị vận tải chưa chủ động tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện KDVT. Do đó việc chấp hành, tuân thủ còn hạn chế, lỏng lẻo, giao khoán cho lái xe. Các đơn vị KDVT chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm nghề nghiệp đối với lái xe; trách nhiệm đối với trật tự an toàn xã hội.

Khắc phục những bất cập

Nhằm đưa hoạt động KDVT vào nề nếp, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô (Nghị định 10) tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật trước đây.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nghị định 10 có nhiều quy định được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch; xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định. Cụ thể, nếu là xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách hợp đồng, không thu tiền trước từng hành khách dưới mọi hình thức; xe hợp đồng trong một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp điểm cuối. Quá trình hoạt động, phương tiện ngoài trang bị đầy đủ hệ thống giám sát hành trình còn phải lắp camera giám trên xe nhằm cung cấp, truyền dữ liệu với cơ quan chức năng, đơn vị vận tải quản lý.

Đối với loại hình taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước, Nghị định 10 quy định trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số...

Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020 đưa ra quy định mới tất cả các bến xe khách phải thực hiện quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách. Cụ thể, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục giữa các bến xe được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, như biển kiểm soát, lái phụ xe, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến, hành trình di chuyển… Những DN, nhà xe không đảm bảo yêu cầu sẽ bị dừng hoạt động, qua đó ngăn chặn các vi phạm về KDVT từ đầu.

Bộ Công an ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển từ biển số trắng sang biển số vàng có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trong đó, quy định ô tô KDVT, như taxi, xe khách, xe tải...phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen... để dễ quản lý.

Sau khi Nghị định 10 và các thông tư trên ra đời, ban ngành chức năng, các DN, cá nhân cho rằng đã có những “thước đo” cần thiết để đưa hoạt động KDVT khuôn khổ, nề nếp. Đó là điều mà các DN KDVT phải thay đổi phục vụ dịch vụ tốt, an toàn cho hành khách.

Tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, 10 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản ra quyết định xử phạt 33.170 phương tiện vi phạm, tạm giữ 5.361 phương tiện, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 32 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn hơn 3.500 trường hợp. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2020, thanh tra giao thông phối hợp liên ngành kiểm tra hơn 854 phương tiện, lập biên bản 145 trường hợp phạt tiền hơn 2,3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 100 trường hợp.

Bài, ảnh: MINH VĂN