Lĩnh vực thương mại năm nay gặp khó khăn, đóng góp thấp vào tăng trưởng GRDP. Ảnh: MC

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, tỉnh có 4/14 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), giá trị xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm mới. Bốn chỉ tiêu nói trên đều có tác động trực tiếp đến thu nhập bình quân đầu người. Thế nhưng, trong khi GRDP bình quân của tỉnh tăng chỉ 2,06% thì GRDP bình quân đầu người tăng 5%? Điều này có gì lạ, và mức tạo nên thu nhập bình quân đầu người tăng nằm ở chỗ nào?

GDP (tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia), GRDP (cũng tổng sản phẩm quốc nội nhưng để tính cho một địa phương) có 4 yếu tố hợp thành, bao gồm: tiêu dùng của hộ gia đình (đầu tư của hộ gia đình không tính vào chi tiêu của hộ gia đình mà tính vào đầu tư); chi tiêu của Chính phủ; tổng đầu tư và cán cân thương mại (mức chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu).

​Thử đánh giá các yếu tố trên của Thừa Thiên Huế nó như thế nào?

​Về chi tiêu hộ gia đình: Chi tiêu của hộ gia đình nhìn thấy rõ nhất là thông qua lĩnh vực dịch vụ thương mại. Những năm bình thường, lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng trưởng khoảng 7-8%, như năm 2019 có mức tăng trưởng ở mức 7,39%. Chiếm tỷ trọng cao nhất của lĩnh vực này là dịch vụ du lịch, như năm 2019 ước tính dịch vụ du lịch đóng góp từ 30 - 40% tổng giá trị tăng thêm của ngành. Nhưng năm nay, tất cả đều giảm. Theo báo cáo của UBND tỉnh, khu vực dịch vụ tăng trưởng âm 0,79%, giảm sâu nhất là dịch vụ du lịch, đến 64%. Như vậy, yếu tố này có thể thấy không có đóng góp gì vào mức tăng thu nhập bình quân đầu người, thậm chí nó còn làm giảm nghiêm trọng mức thu nhập.

Một yếu tố có thể không đóng góp cho mức tăng thu nhập, hoặc đóng góp rất ít đó chính là cán cân thương mại (xuất khẩu – nhập khẩu). Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, Thừa Thiên Huế xuất siêu đạt 300 triệu USD (xuất khẩu đạt 800 triệu USD – nhập khẩu 500 triệu USD).

​Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của người dân Thừa Thiên Huế tăng thêm 5% có thể được tác động bởi hai yếu tố sau; đó là chi tiêu của tỉnh và tổng mức đầu tư. Hai lĩnh vực này tuy không đạt kế hoạch đề ra của năm 2020, nhưng đều có mức tăng so với năm 2019. Cụ thể: năm 2019 tổng đầu tư toàn xã hội đạt 22.700 tỷ đồng thì năm 2020 đạt 24.500 tỷ đồng, tăng so với năm 2019 đến 1.800 tỷ đồng. Về chi ngân sách cũng tăng, nếu năm 2019 chi đạt 10.044 tỷ đồng thì năm 2020 mức chi đạt 11.428 tỷ đồng, tăng 1.384 tỷ đồng.

​Yếu tố nào cấu thành mức thu nhập bình quân đầu người, mức độ đóng góp nhiều ít, có lẽ cũng không quan trọng lắm, điều quan trọng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như năm 2020 mà có mức tăng thu nhập là điều đáng mừng vậy. Còn thu nhập bình quân đầu người tăng mà mức sống của người dân có tăng hay không lại là chuyện khác. Có lẽ tự mỗi người dân cảm nhận. Bởi hai lĩnh vực này là khác nhau – một lĩnh vực có tính chất vĩ mô và một lĩnh vực có tính chất vi mô.

NGUYÊN LÊ