Công tác tiêm phòng vắc-xin COVID-19 ở châu Phi được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa: TTXVN
Hy vọng nhận được vắc-xin của châu Phi được nêu ra từ sáng kiến COVAX toàn cầu nhằm mua và cung cấp vắc-xin cho những người nghèo nhất thế giới. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã nhắc lại rằng vắc-xin mới được coi là “hàng hóa công cộng toàn cầu” được cung cấp cho tất cả mọi người trên thế giới. Ông đã kêu gọi quyên góp số tiền 4,2 tỷ USD trong hai tháng tới cho COVAX.
Trước đó, ông John Nkengasong, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi), nói trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng sẽ là “cực kỳ khủng khiếp khi chứng kiến” các nước giàu nhận được vắc xin COVID-19 trong khi các nước châu Phi lại không có.
Theo ông Nkengasong, nhiều khả năng châu Phi sẽ chưa thể bắt đầu tiêm phòng cho đến giữa năm 2021. Ông ước tính thậm chí có thể phải đến tháng 10 mới đảm bảo tổng số 1,5 tỷ liều vắc-xin cần thiết cho 60% dân số của lục địa 1,3 tỷ dân này. Chi phí sẽ là từ 7 tỷ đến 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, không có nhiều quốc gia ở châu Phi có thể mua được vắc-xin COVID-19. Vì vậy, COVAX được lập nên để giải quyết vấn đề đó, nhằm đảm bảo các nước nghèo nhận được thêm viện trợ tài chính.
Nhưng ngay cả những loại vắc-xin đã có trên thị trường cũng không thể được sử dụng nếu không giải quyết các vấn đề của châu Phi. Ví dụ, vắc-xin BioNTech-Pfizer được sử dụng ở Anh phải được giữ lạnh ở âm 700C. Bà Michelle Seidel, chuyên gia về chuỗi cung ứng của UNICEF cho biết: “Chúng tôi dự đoán các các khó khăn xung quanh việc bảo quản và phân phối các loại vắc xin cụ thể đó ở nhiệt độ rất thấp âm 700C.”
Ở nhiều vùng nông thôn ở châu Phi, hầu như không có mạng lưới điện. Các thành phố lớn thì thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất điện. Bà Seidel cho biết thêm: “Các tủ đông nhiệt độ cực thấp yêu cầu phải có máy phát điện dự phòng hoặc nhiên liệu phát điện dự phòng. Điều đó sẽ là một thách thức”.
Chuyên gia sức khỏe Yap Boum nhìn thấy một thách thức khác: “Chúng tôi dự đoán một số phản kháng từ những người tiêm vắc-xin COVID-19 vì tranh luận xung quanh các loại vắc-xin, nhưng cũng có tranh luận về các thử nghiệm COVID ở châu Phi.”
Ngoài ra, Giám đốc CDC Châu Phi Nkengasong nói rằng ít nhất 60% dân số Châu Phi sẽ cần được tiêm phòng trong vòng 2-3 năm tới. Ông cảnh báo: “Nếu thời gian trì hoãn kéo dài đến 4-5 năm thì vi-rút này sẽ trở thành dịch bệnh trong cộng đồng của chúng tôi.”
Anh Tuấn (Lược dịch từ DW)