Tại bếp ăn Trường tiểu học Vĩnh Ninh. Ảnh: MQ

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) khi các nhân viên nhà bếp đang chế biến và chuẩn bị các suất ăn trưa cho học sinh. Khu bếp có không gian thoáng, mát và được thiết kế theo quy trình một chiều với đầy đủ trang thiết bị như hệ thống tủ đông lạnh bảo quản thực phẩm, tủ lưu mẫu thức ăn, bồn sục ô-zôn, bồn rửa, đồ đựng thức ăn đều được làm bằng i-nốc.

Cô Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh cho biết: Tất cả thực phẩm sống và chín đều được lưu mẫu trong 24 giờ để phục vụ công tác kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các xe đẩy cơm được đưa đến các lớp, bảo đảm cho học sinh ăn uống tại lớp, cũng như thuận tiện trong việc quản lý, chia suất ăn cho học sinh… Cũng theo cô Trang, quan trọng là giáo viên tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào lớp, sau giờ chơi; rửa tay bằng xà phòng trước giờ ăn, sau khi đi vệ sinh.

Bữa ăn bán trú tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều bếp ăn ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP. Huế được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, có đủ dụng cụ chế biến, chia suất. Nhà trường công khai thực đơn, khẩu phần ăn của học sinh hằng ngày để phụ huynh biết và giám sát. Tên các nhà cung cấp thực phẩm được công khai để các bậc phụ huynh cùng giám sát với nhà trường. Hằng ngày, các nhân viên đều thực hiện nghiêm túc việc ghi sổ khi tiếp nhận thực phẩm. Nghiêm ngặt hơn khi cấp dưỡng phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; khu vực chế biến thức ăn và khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng để rửa tay; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng…

Ở các trường, phụ huynh có thể đến vào giờ ăn bất cứ lúc nào để theo dõi quy trình chế biến bếp ăn. Chị Đoàn Mỹ Loan, phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Lý Thường Kiệt chia sẻ, thời điểm giao mùa, các cháu dễ bị virus tấn công nên tôi lo nhất là khâu vệ sinh trong bữa ăn bán trú của các cháu. Một tuần, tôi tranh thủ ghé đến lớp con một lần, xem con ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào, nếu thấy bất cập sẽ có ý kiến với nhà trường để kịp thời điều chỉnh”.

Ý kiến của chị Loan được nhiều phụ huynh đồng tình khi thời gian gần đây đại diện ban cha mẹ học sinh ở các trường được tham gia vào việc giám sát quy trình bữa ăn bán trú. Cách thức này không chỉ thêm kênh giám sát, mà còn góp phần làm tăng tính minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc học sinh của mỗi trường.

Bữa ăn bán trú tại Trường tiểu học An Cựu

Ngoài việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các trường lưu ý đến bữa ăn trưa đầy đủ dinh dưỡng cho các em. Mỗi khẩu phần ăn là 20.000 đồng/ngày/em (gồm cả buổi chính lẫn buổi phụ) nên các trường phải có sự tính toán, thay đổi theo ngày, tuần và theo mùa nhưng phải lựa chọn các loại thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng. Chị Nguyễn Thị Hoa, cấp dưỡng Trường tiểu học Phước Vĩnh chia sẻ, mỗi khi đến bữa ăn, giáo viên chủ nhiệm đều nhắc nhở các em ăn hết khẩu phần. Ngoài việc áp dụng phần mềm để cân bằng dinh dưỡng, cấp dưỡng cũng phải tự đề xuất những món ăn bắt mắt, đủ chất và dụng công trong chế biến để các em ăn ngon miệng.

Theo bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là bếp ăn tập thể trường học luôn được tăng cường. Các cấp, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm. Trong tình hình hiện nay, việc chỉ đạo tăng cường thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được phòng quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc vệ sinh, sắp xếp khu vực bếp nấu sạch sẽ, thoáng mát; nhân viên dinh dưỡng tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Thức ăn sau khi chế biến cũng được phân loại riêng, tránh việc để chung dễ dẫn đến hư hỏng...

Bài, ảnh: Huế Thu