Nhân viên Công ty Đại Việt Á in lịch cho năm mới

Do ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 và bão lụt, các ngành nghề tại Huế suy giảm và thiệt hại trầm trọng. Trong xu thế chung đó, nghề làm lịch, vốn đã không nhiều người theo đuổi, nay lại càng thêm khó khăn.

Theo bà Hà Thị Ngọc Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sách và văn hóa tổng hợp Thiện Phát, một trong những nơi làm lịch có tiếng ở Huế, mọi năm cứ đến tháng 12, công ty nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Tuy nhiên năm nay, số lượng đơn hàng sụt giảm nặng. “Năm nay, lịch “ế” hơn nhiều so với mọi năm. Những năm trước, người ta đặt lịch để tặng tết cho người quen, quảng cáo thương hiệu, nhưng năm nay khó khăn quá, nên số lượng đơn đặt hàng giảm còn một phần tư so với mọi năm”. Bà Thu cho biết.

Số đơn và số người đặt hàng đã giảm, nhưng kể cả nếu có người đặt lịch nhiều thì các cơ sở làm lịch ở Huế cũng khó đáp ứng đủ về số lượng. Nguyên do là vì các nhà xuất bản block lịch ở TP. Hồ Chí Minh không tái bản như mọi năm, nên gặp hạn chế về số lượng nhập về Huế. Số lượng lịch giảm xuống cũng kéo theo sự sụt giảm về doanh thu của cơ sở sản xuất. Thêm vào đó, nếu ở các tỉnh, thành khác, các cơ sở kinh doanh đặt lịch để tặng Tết Dương lịch, thì ở Huế người ta có thói quen tặng vào Tết cổ truyền nhiều hơn. “Người Huế mình thì tết Âm lịch mới đem lịch đi tặng. Giờ các tỉnh, thành khác người ta gia công, sản xuất xong rồi, đóng xưởng cả rồi thì Huế mình mới bắt đầu làm. Mình làm chậm hơn nên thiếu nguyên liệu lắm”. Bà Thu thông tin.

Nằm trong xu thế xuống dốc của nghề làm lịch, Công ty TNHH MTV Văn hóa Đại Việt Á cũng gặp phải những khó khăn trong mùa sản xuất. Chị Nguyễn Thu Nhi, quản lý Công ty Đại Việt Á, ngày đêm trăn trở bên những cuốn block lịch và những tấm bìa ép. Chị kể, mọi năm, công ty đều nhập những tấm bìa ép và phôi ép từ nước ngoài. Nhưng năm nay dịch bệnh, Việt Nam không nhập khẩu hàng hóa về được nên những tấm bìa ép trở nên khan hiếm. Cũng vì không nhập được hàng nên công ty cũng gặp khó khăn trong việc tìm phôi để in bìa. Lượng hàng của công ty chỉ còn một phần ba so với mọi năm. “Không bìa, không lịch, không có hàng bán” – chị Thu Nhi buồn rầu.

Sự thất bát của nghề làm lịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động. Theo chị Thu Nhi, trong xưởng của công ty có những anh, chị, suốt năm vừa rồi làm đủ nghề để mưu sinh, từ lái xe ôm cho tới shipper cho các quán hàng. Những người lao động đó chỉ mong đến cuối năm có mùa làm lịch, để họ kiếm thêm được thu nhập, chuẩn bị cho dịp tết đến xuân về. Tuy vậy, những sụt giảm về số lượng hàng cũng như doanh thu của công ty đã ảnh hưởng đến người lao động rất nhiều. “Mọi năm, công việc làm lịch kéo dài trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12, với số lượng hàng lớn, người lao động có được 4 tháng tiền lương, chưa kể thưởng tết. Năm nay vì ít hàng, nên công việc làm lịch đến tháng 11 mới bắt đầu. Các anh, chị ấy chỉ có 2 tháng lương, thưởng tết cũng ít đi” – chị Thu Nhi chia sẻ.

Khó khăn là thế, nhưng những xưởng sản xuất, gia công lịch vẫn đang ngày đêm tất tả hoàn tất những quyển lịch, chuẩn bị cho năm 2021 sắp đến. Giữa những giọt mồ hôi của sự mệt mỏi, những lo toan về thu nhập, những suy nghĩ về một dịp tết thiếu thốn hơn mọi năm, vẫn là những nụ cười, là niềm hạnh phúc, vì ít ra vẫn còn được lao động, được làm việc, để “có thêm chút tiền mua áo mới cho con".

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH