Nghe nhân viên bán vé giải thích xong, tôi hơi vội khi quyết định mua vé giường nằm tàu SE6, khởi hành từ Huế lúc 5 giờ sáng với giá 747 nghìn đồng. Vừa nhận vé, tôi chợt nhận ra hành trình của mình diễn ra ban ngày thì nên mua vé ghế ngồi để tiện ngắm cảnh nên yêu cầu nhân viên đổi giúp từ vé giường sang vé ngồi mềm. Nhưng người bán vé giải thích rằng vé đã nhập vào hệ thống, muốn đổi phải mất 20% theo quy định. Trong khi đó, giá vé ghế ngồi mềm cũng hơn 400 nghìn đồng; như vậy đổi vé tôi chỉ nhận được khoảng 150 nghìn đồng tiền chênh lệch nên cô bán vé tiếc rẻ, khuyên tôi: “Đây là nguyên tắc chứ không phải chúng em làm khó chị. Thôi thì chênh lệch sau khi khấu trừ chẳng còn bao nhiêu, chị không nên đổi thì hơn”. Dù trong lòng thấy hơi khó chịu vì sự cứng nhắc của nguyên tắc, nhưng tôi đành đồng ý với cách mà người bán vé đã tư vấn.

Để không lỡ chuyến tàu, hôm đó tôi đặt chuông báo thức 4 giờ sáng với tính toán chuẩn bị xong, xuất phát lúc 4g30 và 5 giờ kém 15 phút có mặt ở sân ga là vừa đẹp. Vào phòng chờ tàu, đã quá giờ nhưng không thấy nhân viên nhà ga ra mở cửa, tôi và nhiều hành khách khác lơ ngơ tìm kiếm mới nhận ra thông báo tàu muộn 20 phút được viết trên một khung bảng nhỏ với lý do vỏn vẹn hai chữ trở ngại.

Một hành khách nam khá lớn tuổi bực mình lên tiếng: "Làm việc chả có nguyên tắc gì cả. Lúc bán vé thì hỏi đầy đủ thông tin cá nhân rồi số điện thoại của khách hàng rất kỹ, thế mà tàu trễ không nhắn tin, gọi báo, làm tôi sợ muộn, hồi nãy trên đường vừa giục thằng cháu chạy nhanh vừa sợ tai nạn".

Có lẽ đó cũng là cảm giác chung của những người đồng hành cùng tôi hôm đó. Một vài người đều khẳng định, dù chỉ là 20 phút thì phía nhà ga cũng cần có trách nhiệm thông báo lại cho hành khách để giảm bớt những rủi ro không đáng có.

Nhiều năm trở lại đây, ngành đường sắt đang bị cạnh tranh với nhiều phương tiện khác, từ máy bay đến xe tư nhân. Nhất là có những thời điểm, khách hàng có thể săn được vé máy bay rẻ hơn nhiều so với vé tàu hỏa; còn các hãng xe hạng sang thì ngoài giá cả hấp dẫn hơn còn trang bị và phục vụ miễn phí nhiều dịch vụ như wifi, ti vi, nước uống… Trong khi đó, hành khách đi tàu không còn được phục vụ suất ăn, nước uống đã là một bất tiện. Bởi, nếu không mang theo sẽ phải mua của trên tàu với giá cao, như một chai nước lọc có giá 10.000đ và 40.000đ một suất cơm…

Chừng hơn 5 năm về trước, khi đến những tỉnh, thành không có sân bay, nhất là ra hướng miền Bắc, tôi vẫn thích đi tàu hoả hơn, nhưng sau một vài lần gần đây, tôi đã buộc phải tính toán lại bởi những nhược điểm nói trên. Có lẽ đó cũng là lý do, khiến cả hai chiều của chuyến đi lần này, tôi thấy các toa tàu còn nhiều chỗ trống.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN