Nỗ lực không ngơi nghỉ giúp Nguyên Khang theo đuổi niềm đam mê với nước Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, ngay từ nhỏ, Trịnh Nguyên Khang đã tiếp xúc với nhiều du khách Nga. Sự thân thiện, nhiệt tình của những du khách phương xa đã khơi gợi trong lòng cậu bé Khang tính tò mò. Khang chia sẻ: “Từ đó, em luôn mong muốn học hỏi để có thể giao tiếp với họ, rộng hơn là tìm hiểu về đất nước, con người ở xứ sở Bạch Dương”.

Với niềm say mê đất nước, văn hóa Nga không ngơi nghỉ, cậu học trò sinh năm 2001 lựa chọn Trường ĐH ngoại ngữ, ĐH Huế để viết tiếp giấc mơ. Nhờ nỗ lực không ngừng, Trịnh Nguyên Khang được lựa chọn, bồi dưỡng để tham dự cuộc thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức.

Là sinh viên năm nhất nên hành trang thi thố của Khang chỉ vỏn vẹn hơn 4 tháng được tiếp cận với tiếng Nga một các bài bản. Vì thế, bên cạnh sự truyền thụ, hướng dẫn tận tình của giảng viên, Khang phải nỗ lực tự học rất nhiều để đáp ứng các kỹ năng của cuộc thi. Những tưởng nỗ lực ấy sẽ sớm ngày tạo ra thành quả, thế nhưng do dịch bệnh COVID – 19, các phương cách luyện rèn ấy đã không còn phù hợp nữa.

Khác với thường niên, cuộc thi Olympic tiếng Nga năm 2020 lần đầu tiên được chuyển sang hình thức thi trực tuyến, với hai vòng đọc hiểu và vấn đáp. Do đó, kỳ thi năm nay khó khăn, thách thức hơn bởi thí sinh sẽ trò chuyện trực tuyến với giáo viên người bản xứ. Với kiến thức của một sinh viên mới tập tành ngôn ngữ Nga, đó là thử thách cam go để Khang ghi dấu ấn trong cuộc thi này.

Nhưng cũng từ khó khăn ấy, Trịnh Nguyên Khang “xốc” lại tinh thần. Trước đó, Khang thường nghe nhạc, xem phim hoạt hình, phim tài liệu của nước Nga để hiểu hơn, yêu hơn miền đất xa xôi cũng như làm giàu thêm vốn từ, cách phát âm, ngữ pháp. Hơn nữa, ngoài sát cánh ôn luyện trên giảng đường, các thầy cô còn chuẩn bị tâm lý cho Khang bằng cách gọi điện qua ứng dụng Skype (ứng dụng được sử dụng trong phần thi vấn đáp của cuộc thi trực tuyến năm nay) để cậu học trò xứ biển làm quen với hình thức thi mới.

Niềm đam mê với nước Nga và sự khích lệ, động viên của gia đình, thầy cô đã tiếp thêm sức mạnh cho Khang, giúp em xuất sắc vượt qua phần thi vấn đáp. Khang cho biết: “Chủ đề em cần trò chuyện với giáo viên bản xứ là về vẻ đẹp của quê hương. Em đã mang vào bài thi ấy tình yêu những bãi biển trải dài, quanh năm bốn mùa ấm áp. Em nghĩ chính tình yêu ấy đã giúp em giành giải thưởng trong cuộc thi năm nay”. Từ quê hương, Trịnh Nguyên Khang đã tiếp xúc với những du khách, khơi gợi khát khao và theo đuổi niềm đam mê tìm hiểu về nước Nga. Cũng từ tình yêu gắn liền với quê hương ấy, chàng sinh viên năm nhất của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế đã được nhận học bổng 5 năm học tập tại Nga.

Cô Nguyễn Thị Biên, Trợ lý Công tác sinh viên Khoa tiếng Pháp – tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế nhận xét: “Từ một tân sinh viên bỡ ngỡ theo đuổi niềm đam mê trở thành người đạt giải nhất cuộc thi là hành trình dài. Trên con đường ấy, Nguyên Khang đã nỗ lực không ngơi nghỉ, minh chứng cho những người đang phân vân về ngôn ngữ Nga, hay muốn theo học ngôn ngữ này. Khang vinh dự nhận học bổng du học toàn phần từ Chính phủ Nga (thông qua cuộc thi Olympic tiếng Nga) là niềm vui của một sinh viên năm nhất và cũng là niềm tự hào của Khoa tiếng Pháp - tiếng Nga”.

Nguyên Khang vinh dự là một trong hai gương mặt của Trường ĐH Ngoại ngữ được ĐH Huế khen thưởng khuyến khích tài năng sinh viên năm học 2019 – 2020. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Khang mong muốn sớm đến Nga để có thể học tập thật tốt và dành thời gian trải nghiệm đất nước này. “Hơn nữa, em mong mình có thể tiếp thu được nhiều kiến thức từ xứ sở Bạch Dương để có thể trở về phụng sự cho quê hương”, Nguyên Khang chia sẻ.

Mai Huế