Người dân sống tại thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tiếp ngay sau đó trong bảng xếp hạng là thủ đô Tokyo của Nhật Bản (vị trí thứ 2), thành phố New York của Mỹ (vị trí thứ 3) và thành phố Geneva của Thuỵ Sĩ (vị trí thứ 4); tất cả các thành phố này đều giữ nguyên thứ hạng chung của mình trong top 4, không thay đổi so với năm 2019.

Ngoài ra, thành phố Zurich của Thuỵ Sĩ (vị trí thứ 5) và thủ đô London của Vương quốc Anh (vị trí thứ 6) đều tăng bậc trong bảng xếp hạng năm nay, khi đồng Euro và đồng bảng Anh phục hồi đã đẩy chi phí sinh hoạt đối với các chuyên gia nước ngoài tăng cao. Trong khi đó, thành phố Tel Aviv của Israel (vị trí thứ 7), thành phố Seoul của Hàn Quốc (vị trí thứ 8), thành phố San Francisco của Mỹ (vị trí thứ 9) và thành phố Yokohama của Nhật Bản (vị trí thứ 10) đều ghi nhận chi phí sinh hoạt không thay đổi hoặc giảm trong năm nay.

Ông Lee Quane, Giám đốc Khu vực châu Á tại ECA International cho biết: “Hồng Kông đắt đỏ trên nhiều lĩnh vực trong nghiên cứu của chúng tôi, nhưng chi phí nhà ở đặc biệt cao đã đẩy thành phố này lên vị trí số 1; dù giá bất động sản đã có sự sụt giảm trong năm qua do nhu cầu giảm bởi đại dịch COVID-19 và bất ổn chính trị đang diễn ra”.

Châu Âu tăng hạng, châu Á sụt hạng

Báo cáo về chi phí sinh hoạt thường niên của ECA International so sánh chi phí hàng hóa và dịch vụ hàng ngày, bao gồm thực phẩm, giao thông và các tiện ích, trên khắp 208 thành phố ở 121 quốc gia trong khoảng thời gian 1 năm, từ tháng 9 năm này đến tháng 9 năm sau.

Những thay đổi trong bảng xếp hạng năm nay chủ yếu do biến động tỷ giá các đồng tiền do đại dịch COVID-19, tác động đến sức chi tiêu của các chuyên gia làm việc ở nước ngoài. Đồng Euro, đồng bảng Anh và đồng đô la Australia mạnh lên đã đẩy chi phí sinh hoạt ở mỗi thị trường tương ứng lên cao.

Ông Lee Quane nhận định: “Với việc đồng Euro và bảng Anh phục hồi trong năm nay, chi phí sinh hoạt tăng đối với nhiều người lao động nước ngoài. Những yếu tố này cũng đẩy nhiều thành phố lớn của khu vực châu Âu tăng lên trong bảng xếp hạng; trong đó, London hiện là vị trí đắt đỏ thứ 6 trên thế giới, thủ đô Paris của Pháp tăng 10 bậc lên vị trí thứ 29, thủ đô Vienna của Áo và thành phố Munich của Đức lọt vào top 50 toàn cầu”.

Trong khi đó, sự sụt giảm của các đồng tiền châu Á, bao gồm baht Thái Lan, đồng Việt Nam và rupee Ấn Độ, đã chứng kiến ​​chi phí sinh hoạt đối với người nước ngoài tại các thành phố lớn của mỗi quốc gia giảm đáng kể. Riêng thành phố Mumbai của Ấn Độ đã giảm 34 bậc, xuống vị trí thứ 94 trên toàn cầu.

“Mumbai, thành phố đắt đỏ nhất ở Ấn Độ đã giảm mạnh nhất tại khu vực châu Á, do sự kết hợp của đồng rupee yếu và giá thuê nhà rẻ hơn trên thị trường cho thuê đối với người nước ngoài của thành phố này”, Giám đốc Khu vực châu Á tại ECA International nói thêm.

Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hướng đến vị trí xếp hạng của các thành phố ở Thái Lan và Việt Nam, cuộc khảo sát cho thấy, mỗi địa điểm của Thái Lan và Việt Nam đều giảm ít nhất 10 bậc trong bảng xếp hạng năm nay. “Baht Thái Lan và đồng Việt Nam yếu đi đáng kể so với các đồng tiền lớn khác trong đại dịch COVID-19, một phần do tác động lớn đến ngành du lịch khi ít du khách đến khu vực này hơn. Chi phí thuê nhà cũng giảm do nhu cầu yếu hơn”, ông Lee Quane nói. Trong đó, Bangkok là thành phố Thái Lan duy nhất còn lại trong top 100 địa điểm đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, thủ đô của Thái Lan đã sụt 16 bậc xuống vị trí thứ 39 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Cũng trong khu vực châu Á, Singapore là thành phố đắt đỏ thứ 14 trên thế giới đối với người nước ngoài, giảm 2 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái do đồng đô la Singapore suy yếu. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, gây ra sự suy giảm thương mại đối với nền kinh tế Singapore. “Điều này góp phần vào sự suy yếu của đồng đô la Singapore, so với những đồng tiền mạnh hơn như kroner Đan Mạch và franc Thụy Sĩ”, ông Lee Quane cho hay.

Ở những nơi khác, các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Brazil, Nga, và Venezuela, nơi bị ảnh hưởng bởi giá dầu và đồng tiền nội tệ giảm, kéo theo chi phí sinh hoạt đối với người lao động nước ngoài giảm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ CNBC & Straits Times)