Đạo diễn Đại Đinh (ngoài cùng bên trái) nhận Huy chương Vàng phim tài liệu “ Món quà kỳ diệu”.

Trong 6 phim tài liệu được LHPTHTQ trao giải Vàng lần này, căn cứ vào số điểm, bộ phim “Món quà kỳ diệu” của TRT được xếp vị trí thứ nhất, đứng trên cả Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số VTV, Trung tâm THVN khu vực Nam bộ và Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự VTV.

Sống và tác nghiệp ở xứ sở trầm mặc, yên bình (trừ khi xảy ra thiên tai,dịch bệnh hay thỉnh thoảng mới có vài ba sự kiện lớn), thực tế cho thấy, nhà báo Huế ít có lợi thế cạnh tranh về những đề tài “nóng” so với đồng nghiệp cả nước, nhất là ở những đô thị lớn và gần đây là các vùng biên.Tin tức hàng ngày minh chứng điều ấy. Do vậy, muốn tìm đề tài hay, tác giả phải tìm cho được mẫu số chung của dân tộc, ví như lòng yêu nước, thương người; nghị lực vượt khó hay xây dựng, làm đẹp quê hương…

Phim “Món quà kỳ diệu” là một những đề tài có mẫu số chung như vậy.

Đây là phim chân dung nhân vật có tên là Nguyễn Hồng Cương. Số phận đã buộc anh phải đi xe lăn và phát âm không tròn tiếng (vì chứng bại não). Đã có lúc Cương nản lòng nhưng nhờ bạn bè và cô giáo Nguyễn Thị Hương tận tâm dạy dỗ, Nguyễn Hồng Cương đã vươn lên. Năm 30 tuổi, Nguyễn Hồng Cương trở thành Giám đốc TTM school Huế.

Tôi đã nghe buổi nói chuyện của anh với các bạn trẻ. Không có bí quyết gì cả. Cương thành đạt nhờ xã hội bao bọc (bạn bè, cô giáo) và dĩ nhiên là tình thương của gia đình dành cho anh.

Huế - xứ sở Hạnh phúc đã được cụ thể hóa. Thế thôi.

Cần nói thêm, nhờ tìm được đề tài hấp dẫn và cách thể hiện tiên tiến (không lời bình), dù nhân vật và các đối tượng liên quan đều nói giọng Huế song nhờ diễn đạt tự nhiên phim đã đi vào lòng người. Đạo diễn Đại Dinh đã biết sử dụng ngôn ngữ truyền hình, đặc biệt là biết khai thác chi tiết nên phim có điểm nhấn, gây ấn tượng với người xem và ban giám khảo.

Tin, ảnh: Phạm Hữu Thu