Những âm mưu đen tối và hệ lụy
Hiện nay, một số tổ chức và các nhà nhân danh “dân chủ” đã có những bài viết, “thư ngỏ” nêu quan điểm về phi chính trị hóa quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Chúng cho rằng, quân đội phải được trung lập, chỉ cần trung thành với đất nước, Nhân dân, tuân thủ Hiến pháp. Với lực lượng vũ trang chỉ cần thực hiện chức năng bảo vệ đất nước, loại bỏ chính trị, áp dụng mô hình quân đội “phi chính trị” như nhiều nước.
Có kẻ còn chia sẻ lên các trang mạng với lời lẽ kích động, gây hoài nghi, chia rẽ các lực lượng trong quân đội, giữa quân đội và công an, quân đội và Nhân dân. Chúng đưa ra luận điệu cổ súy vị trí của quân đội nên phải “trung lập”, “quân đội của đất nước, không phải của Đảng” nên không phải trung thành, phục vụ cho một bộ phận cầm quyền. Thực chất là chúng tìm cách kích động để làm mất phương hướng, tác động đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, tướng lĩnh cấp cao trong quân đội.
Những luận điệu, quan điểm như trên được hình thành ở một số nhà nước có chế độ chính trị đa đảng. Phe nào nắm được quân đội và quân đội trung thành, đảng đó sẽ có thế thượng phong nắm giữ chính quyền.
Ở nhiều nước chính trị bất ổn, các đảng phái ra sức tranh thủ giành giật sự ủng hộ của tướng lĩnh cấp cao nhằm lấy quân đội làm hậu thuẫn, răn đe đảng đối lập và làm “bảo bối” chống đảo chính. Cũng vì quan điểm “đứng ngoài chính trị” đã làm cho tình hình đất nước thường xuyên bất ổn khi quân đội nghiêng về bên này hay bên kia. Có một số quốc gia quân đội đảo chính lật đổ chính phủ dân sự để lên nắm quyền nhưng lại thiếu khả năng, kinh nghiệm quản lý nên đất nước bị xáo trộn, xã hội bất an.
Nguyên lý chính trị trong lực lượng vũ trang
Đã có nhà lý luận quân sự đúc kết: Chiến tranh là sự kế tục của chính trị và được thừa nhận như một thuyết khoa học quân sự. Không bao giờ và không ở bất cứ quốc gia nào quân đội “đứng ngoài chính trị”, đứng ngoài thể chế cầm quyền.
Nhà nước nào nắm quyền lãnh đạo đều phải nắm quân đội thông qua biện pháp về chính trị, tổ chức, trang bị, nuôi dưỡng lực lượng này. Cho nên, bản chất giai cấp của quân đội là bản chất giai cấp của nhà nước tổ chức ra lực lượng đó. Lênin đã chỉ ra rằng: “Hiện nay, trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”. Ông cũng chỉ ra sự lãnh đạo của đảng (bất kể chế độ chính trị) với quân đội là nguyên tắc căn bản và quyết định sự tồn tại, ổn định của một nhà nước.
Vận dụng tư tưởng của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Quân đội Nhân dân Việt Nam trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Ngay từ buổi đầu hình thành, Người đã đặt tên là “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Trong điều kiện trang bị vũ khí chưa đáng kể thì “tuyên truyền” là “vũ khí” đầu tiên của quân đội, coi trọng chính trị làm tiền đề phát triển vũ trang. Chính trị là cơ sở đầu tiên và quá trình xây dựng, phát triển làm cho quân đội giữ được phẩm chất “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”. Đây là phương châm chiến lược để đảm bảo: “Quân đội ta trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Trong đó đã xác định yếu tố con người (anh Bộ đội Cụ Hồ) có giác ngộ chính trị giữ vai trò quan trọng và định hướng mọi hoạt động trong từng giai đoạn cách mạng. Tư tưởng quân sự của Đảng trong quân đội được phát huy là nhân tố tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng những thế lực quân sự hùng mạnh trên thế giới như đã làm nên trong lịch sử.
Xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh
Hiện nay, tình hình chính trị trên thế giới có những thuận lợi và khó khăn, thách thức mới, các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”. Một trong những thủ đoạn là chúng đưa ra chiêu thức về “trung lập hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội nhằm tách Quân đội Nhân dân ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là bên cạnh xây dựng quân đội ngày càng tinh nhuệ, chính quy, hiện đại thì phải xây dựng quân đội vững mạnh về tổ chức, chính trị, tư tưởng. Không bao giờ sao nhãng bản chất “quân đội của dân, vì dân mà chiến đấu”, trung thành với lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc: Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối; quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam.
Lực lượng quân đội từ trên xuống dưới phải tự chỉnh đốn, kiên định mục tiêu bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước. Thực hiện đúng đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Từ sĩ quan đến cán bộ, chiến sĩ xác định trách nhiệm đối với đất nước, khẳng định bản chất và truyền thống của quân đội trong mọi hoàn cảnh; đấu tranh phản bác chống lại mọi luận điệu nhằm phá rối quân đội; không giao động trước âm mưu, thủ đoạn nhằm chuyển hóa tư tưởng của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ cao nhất là nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng và Nhân dân.
Thực tiễn tổ chức và hoạt động quân đội trong các cuộc kháng chiến và tình hình hiện nay đã khẳng định: Việt Nam không thể có “quân đội trung lập”,“quân đội phi chính trị”.
NGUYỄN AN HÒA