Những thông số cứ làm tôi lẩn mẩn suy nghĩ và ước mong. Ví như nếu làm tốt điều này, mỗi năm chúng ta sẽ có bao nhiêu năng lượng thu được từ còn số bình quân 650 tấn rác/ngày trên địa bàn toàn tỉnh và 250 – 300 tấn/ngày nếu chỉ tính riêng ở TP Huế ? Bao nhiêu nguồn năng lượng khác sẽ được tiết kiệm và điều cơ bản là, sự sạch bưng trong môi trường sống khi người dân không chỉ được hưởng lợi mà còn thu lợi được từ nguồn rác thải sinh hoạt...?

Thật ra thì câu chuyện rác thải không phải là của riêng một địa phương nào. Song trước những khó khăn nội tại và những điều kiện chưa thể có, việc bắt cái bỏ đi thành cái có ích hẳn đang là đích đến xa lắm của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Với Thừa Thiên Huế, trong thời gian gần đây đã có những cố gắng nỗ lực và được đánh giá, ghi nhận trên nhiều khía cạnh từ quy trình vận hành đến thu gom, xử lý. Tuy nhiên, việc giải quyết tận gốc quy trình thu gom và xử lý vẫn đang còn là vấn đề cần tiếp tục được đầu tư về lâu dài.
Chuyện rác trên đường, rác ở các điểm tham quan và rác trên bờ trong mùa tắm biển đã không còn là điều mới mẻ nữa. Ngay cả vùng nông thôn bây giờ cũng bị rác “đe dọa”...  Những điều này làm chạnh lòng bao người có trách nhiệm. Thế nên, không mơ được như Thụy Điển, nhưng cứ nghĩ, giá mà mỗi công dân có trách nhiệm với môi trường sống hơn một chút, Huế sẽ sạch, đẹp, phong quang hơn, xứng đáng hơn với tiêu chí của một thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường.
Không mơ về một công nghệ hiện đại như đất nước bạn, nhưng chả lẽ chuyện có thể giải quyết bằng vấn đề nhận thức của mỗi người lại cũng là chuyện của tương lai?
Thi Nguyên