Sản xuất giấy là một trong những ngành tạo ra chất độc hại cao, cần ứng dụng hoá học xanh

 Độ độc hại của các CTĐH rất khác nhau, có chất gây nguy hiểm cho con người, có chất gây tác động nhỏ hơn nhưng khối lượng của nó lại là vấn đề lớn. Những chất thải có chứa những hoá chất không tương hợp có thể gây nổ, bắt cháy. Tiếp xúc với axít hoặc kiềm mạnh gây bỏng da. Da hấp thụ một số thuốc trừ sâu có thể gây ngộ độc cấp tính. Những thùng, hòm chứa chất thải hoá chất nếu không được xử lý, để bừa bãi vào nơi không được bảo vệ tốt có thể gây các tai nạn ngộ độc nghiêm trọng.

Mặc dù mức độ nguy hại lớn, song việc kiểm tra CTĐH thường chỉ được quan tâm sau khi xảy ra một thảm hoạ hoặc sau một đe doạ thảm hoạ môi trường. Kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển cho thấy, việc dọn sạch “các lỗi lầm của quá khứ” còn tốn tiền của và thời gian hơn nhiều, có khi gấp từ 10 đến 100 lần.

Trong sản xuất công nghiệp ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh, ngành sản xuất nhựa, dệt nhuộm, sơn, giấy và bột giấy... là những ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng hoá chất lớn hơn nhiều so với các ngành còn lại. Điều này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại về an toàn hoá chất đối với môi trường và cộng đồng.

Hiện nay, hoá học xanh (HHX) đã được áp dụng hầu hết các ngành công nghiệp. Như ngành dệt nhuộm áp dụng một số giải pháp HHX bằng cách sử dụng chất xúc tác titan silicate để sản xuất nguyên liệu của ngành tổng hợp sợi, nhằm tránh tạo ra phụ phẩm amoni sulphate gây ô nhiễm. Đối với ngành sản xuất sơn, giải pháp HHX được áp dụng điển hình là sử dụng sơn lót chống cháy cho đồ gỗ nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ngành sản xuất pin - ắc quy áp dụng giải pháp HHX bằng cách loại trừ việc sử dụng chất tạo bọt DBSA, LAS làm màng ngăn hơi acid trong quy trình sản xuất ắc quy.

Mới đây, được sự tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cục Hóa chất - Bộ Công thương đang tiến hành thực hiện dự án “Áp dụng Hóa học xanh hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại”.

Qua giai đoạn tiền khảo sát, đã xác định được 6 ngành nghề được ưu tiên triển khai HHX trong dự án, gồm: mạ điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa, dệt nhuộm, hóa chất bảo vệ thực vật, sơn và dung môi. Đây là những ngành có khả năng sử dụng POPs, thủy ngân và những chất có thể phân hủy thành POPs trong sản xuất.

Ứng dụng HHX là xu hướng tất yếu đối với ngành công nghiệp có liên quan đến hóa chất, giúp giảm thiểu hóa chất nguy hại vì sức khoẻ cộng đồng và hội nhập quốc tế.

Quan tâm đến vấn đề này, cách đây mấy năm, UBND tỉnh phê duyệt đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về chất độc hoá học đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Đề án nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong hoạt động sản xuất cũng như khắc phục, giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh, nhất là đang ảnh hưởng đến khoảng 15.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN