Nhiều đại biểu trong và ngoài nước tham dự thội thảo

Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế gửi bài và đăng ký tham dự, trong đó có 53 bài báo có chất lượng đã được chọn để trình bày tại các phiên của hội thảo.

Các chủ đề chính của hội thảo tập trung đến quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam qua các giai đoạn từ 1864 đến năm 1954; nội dung và phương pháp dạy - học; ngôn ngữ và văn học trong chương trình giáo dục; giáo dục nữ giới; các loại hình giáo dục ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong mối quan hệ với giáo dục Pháp - Việt; đối sánh giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam với giáo dục ở các quốc gia Đông Nam Á thời thuộc địa; di sản giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, giáo dục Pháp - Việt hình thành ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX là một di sản giáo dục - văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài ở Việt Nam và một số nước lân cận. Qua hội thảo, có thể nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ Pháp - Việt Nam trong lịch sử, rút ra những yếu tố tích cực để vận dụng vào công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay. Đây cũng là cơ hội tăng cường hợp tác nghiên cứu Pháp - Việt, đóng góp cho công cuộc hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam thời hiện đại.

Tin, ảnh: Hữu Phúc