Dệt may Việt Nam được cộng gộp hàm lượng xuất xứ của nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc

Hiện nay, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 2% thị phần của thị trường EU rộng lớn và đầy tiềm năng. Con số này cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.

Khi có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các chuyên gia kinh tế dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.

Tuy nhiên, theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu dệt may đang phải nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA.

Để xử lý điểm yếu về nguồn nguyên liệu dệt may, Việt Nam đã đàm phán với các nước EU đưa vào Hiệp định EVFTA điều khoản cho phép doanh nghiệp Việt Nam được cộng gộp hàm lượng xuất xứ của nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (nước đã ký FTA với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.

Ngay từ trước khi EVFTA có hiệu lực, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán Thỏa thuận giữa hai Bên để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ sản phẩm dệt may trong khuôn khổ EVFTA.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo đã ký Thư trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Thỏa thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, xuất khẩu đi thị trường EU.

Việc chủ động chuẩn bị và ký kết Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc nói trên ngay sau khi EVFTA có hiệu lực là rất cần thiết và kịp thời để doanh nghiệp Việt Nam có thể ngay lập tức giải quyết được khó khăn về nguyên liệu dệt may chất lượng cao, tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường EU tiềm năng và rộng mở.

Tỷ lệ nội địa hóa được coi là tăng lên khi Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết.

Thỏa thuận đạt được nói trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp DN Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu.

“Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% (cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc). Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các DN dệt may Việt Nam sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc, bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải”, ông Trường cho biết.

Theo VOV.VN