Phát hiện phương tiện chở pháo nổ vi phạm

Nghị định số 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề. Đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển pháo nổ trái phép. Để tránh sự hiểu lầm của người dân, không để xảy ra việc đốt pháo hoa nổ, pháo nổ trái phép, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo, tránh tình trạng đốt pháo hoa ồ ạt, gây nguy cơ cháy, nổ và mất an ninh trật tự.

Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: Nghị định 137/2020/NĐ –CP có nhiều điểm mới được nhiều người dân quan tâm, trong đó có quy định về việc được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, hội nghị... Tuy nhiên, để tránh bị nhầm lẫn, người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo nổ. Pháo hoa thì được phép sử dụng còn pháo nổ thì bị nghiêm cấm.

Theo đó, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại này hoàn toàn bị nghiêm cấm sử dụng. Nếu người dân sử dụng pháo hoa nổ là không đúng với quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

Cũng theo Thượng tá Hoàng Thị Mai, người dân muốn sử dụng pháo hoa cần biết rõ về nguồn gốc. Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Điều 14 của nghị định cũng quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa đồng thời phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định.

Bên cạnh điểm mới về việc được sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp quy định, thì Nghị định số 137 cũng đã bổ sung cụ thể hơn với những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo (Quy định tại điều 5, Nghị định 137).

Theo Thượng tá Hoàng Thị Mai, việc bổ sung nhiều điểm mới trong quy định về quản lý, sử dụng pháo góp phần quan trọng giúp lực lượng chức năng quản lý về mặt nhà nước chặt chẽ hơn; việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép cũng được tiến hành thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: Bình Nguyên