Ông Tất Thành Cang tại kỳ họp HĐND TP HCM ngày 9/12/2019. Ảnh: VOV

Minh chứng mạnh mẽ

Các báo vừa đồng loạt đưa tin: Chiều 16/12, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (nhiệm kỳ 2015- 2020) Tất Thành Cang. Ông Cang bị khởi tố vì hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ông Tất Thành Cang bị bắt và bị khởi tố ngay sau khi Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì kết thúc ngày 12/12. Điều này đã chứng minh ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Điều này cũng tạo nên không khí phấn khởi trong Nhân dân, tin tưởng cuộc đấu tranh chống “quốc nạn” tham nhũng của Đảng sẽ đi đến đích thắng lợi.

Yếu tố quan trọng nhất  

“Dấu mốc” quan trọng tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua là việc Bộ Chính trị (khóa XI) thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Việc Ban Chỉ đạo chuyển sang cơ chế Đảng trực tiếp lãnh đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư, thể hiện quyết tâm của Đảng tự làm trong sạch mình để “xứng đáng là đạo đức, là văn minh” (Hồ Chí Minh), lấy lại lòng tin trong Nhân dân. Đây là yếu tố quan trọng nhất đưa đến những chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện bằng những con số và việc làm cụ thể.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở ba cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án; 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm và đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, gồm một Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang... 

Dù tổn thất về cán bộ rất đau lòng nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

Sự nghiêm minh có được từ sức mạnh tổng hợp của nhiều lĩnh vực: kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Điều quan trọng nhất là: Kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Trong hàng loạt vụ việc có sự vào cuộc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, kỷ luật Đảng đã mang tính chất mở đường đã tạo tiền đề cho những động thái tiếp theo của các lực lượng chức năng khác.

Cần tiếp tục mạnh mẽ hơn

Trong lời phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng".

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Đây là những biện pháp tổng thể, toàn diện để tiếp tục đưa công tác phòng, chống tham nhũng có những bước phát triển mới mạnh mẽ và hiệu quả.Trong cuộc đấu tranh đó, Nhân dân tin tưởng và đồng hành, góp sức cùng với Đảng.

Ngô Vương Anh