Máy đóng nhãn chai rượu vang do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 50% 

Sau 7 năm hình thành và phát triển với thương hiệu trà vả Lộc Mai, qua quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, năm 2019, Công ty TNHH Sản xuất TMDV Lộc Mai (Công ty Lộc Mai) tiếp tục tận dụng nguyên liệu từ quả vả để sản xuất sản phẩm rượu vang thương hiệu rượu vang Bạch Mã. Rượu vang Bạch Mã là sự kết hợp giữa trái vả chín với cherry, cho hương vị đặc trưng.

Theo Giám đốc Công ty Lộc Mai, ông Mai Quốc Bảo, để lên men được sản phẩm rượu vang bắt buộc phải chọn được trái vả đạt chuẩn, chín đều. Những quả vả sau khi được chọn lựa kỹ được vận chuyển lên Bạch Mã, với độ cao khoảng 1.450m so với mực nước biển. Tại đây có nhiệt độ từ 19-20ºC, là mức nhiệt thích hợp để lên men. Hiện, các sản phẩm rượu vang vả đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm đủ điều kiện ra thị trường.

Với mức tiêu thụ trên 10.000 lít rượu vang/năm, nhưng lâu nay dây chuyền đóng chai của công ty đều làm thủ công và bán tự động nên công suất thấp, nhãn chai không đều ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Giữa năm 2020, công ty lập đề án xin hỗ trợ vốn KC đầu tư dây chuyền đóng nhãn chai. Sau khi khảo sát và đánh giá mức tiêu thụ sản phẩm cũng như hiệu quả kinh doanh, Sở Công thương đã phê duyệt đề án hỗ trợ máy đóng nhãn chai rượu vang với mức hỗ trợ 200 triệu đồng, tổng kinh phí đầu tư của DN là 466 triệu đồng.

Với công suất đóng nhãn trên 500 chai/giờ, tăng gấp 3 lần so với đóng thủ công, máy đóng chai giúp DN tạo sản phẩm rượu vang hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường. “Đây là lần thứ 2 DN nhận hỗ trợ vốn từ đề án KC để đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, thay thế các thiết bị lạc hậu và năng suất thấp. Đề án KC tạo động lực giúp DN mở rộng quy mô, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới và tiết giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại”, ông Mai Quốc Bảo chia sẻ.

Năm 2020, nguồn vốn KC chuyển hướng hỗ trợ các đề án quy mô lớn, giá trị hỗ trợ cao nhằm giúp các DN, cơ sở có điều kiện đầu tư các thiết bị hiện đại, công suất cao phục vụ sản xuất, tạo sản phẩm mới.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui, ông Trần Văn Lực, để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, cùng với việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã thì năng suất phải cao và giá thành hợp lý.

Năm 2020, DN đầu tư trên 1 tỷ đồng trang bị dây chuyền chiết rót tinh dầu bán tự động phục vụ việc chiết rót các loại tinh dầu, trong đó nguồn vốn KC Quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ KC đã tạo động lực để DN đầu tư thêm kinh phí trang bị máy móc, phát triển quy mô và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, ngoài hỗ trợ trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2021, sở tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thị trường thông qua các hội chợ trong và ngoài nước, hỗ trợ DN đưa hàng vào siêu thị và đẩy mạnh bán hàng qua mạng nhằm giúp DN giới thiệu và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng.

Thời gian tới, sở tiếp tục làm đầu mối liên kết với các siêu thị lớn trong cả nước kết nối đưa các loại nông - đặc sản địa phương vào tiêu thụ.

Bài, ảnh: Thanh Hương