Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 13 vừa diễn ra ngày 23/12, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Nghị quyết về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, với dự kiến kinh phí 110 tỷ đồng. Đây không chỉ là nguồn lực cần thiết hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai các dự án phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực khác đầu tư hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Năm 2020, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 11,86% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong khi đó dân số khu vực nông thôn chiếm hơn 50% dân số (theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - dân số khu vực thành thị 558.531 người; khu vực nông thôn 570.089 người). Hai con số trên cho thấy, mức độ đóng góp khu vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiên tốn so với tiềm năng vốn có. Tuy vậy, đây vẫn là lĩnh vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong khó khăn do đại dịch COVID-19, nông nghiệp trở thành trụ đỡ quan trọng cho ngành kinh tế nước ta và có nhiều đóng trong kim ngạch xuất khẩu.

Thực tế, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực khó thu hút đầu bởi nhiều lý do, như chính sách đất đai, tích tụ ruộng đất; vốn đầu tư lớn, khả năng sinh lời thấp; rủi ro thiên tai, dịch bệnh; trình độ sản xuất thấp... Những năm gần đây một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế tích cực như tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần CP... Tuy nhiên, con số này còn quá ít.

Để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016, HĐND tỉnh đã ban hành một nghị quyết tương tự. Theo Tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp chuyên đề thứ 13 vừa qua, sau hơn 4 năm thực hiện chính sách hỗ trợ mới có 35 cơ sở sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, với tổng kinh phí 12,6 tỷ đồng. Các cơ sở sau khi được hỗ trợ  đã tiếp tục tổ chức sản xuất và đạt được nhiều kết quả rõ rệt kể cả về hiệu quả sản xuất, quy mô, chất lượng sản phẩm, thể hiện sự hiệu quả của chính sách trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất ứng dụng công nghệ cao; góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và pháp triển bền vững.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, qua quá trình thực hiện giai đoạn 2016-2020 cho thấy chính sách này vẫn chưa được triển khai sâu, rộng đến đối tượng thụ hưởng. Đây chính là hạn chế khiến một chính đúng, có hiệu quả chưa thực sự lan tỏa.

Với Nghị quyết vừa được HĐND thông qua, không chỉ một nguồn lực lớn hơn 9 lần so với giai đoạn trước sẽ được hỗ trợ khuyến khích sản xuất nông nghiệp mà lĩnh vực được hỗ trợ cũng rộng hơn, tạo sức bật lớn hơn. Đó là, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi trang trại, hữu cơ; sản xuất giống chất lượng cao, giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ sản xuất…

Nghị quyết đã “mở” đối tượng, vấn đề còn lại làm sao để các đối tượng thụ hưởng thuận tiện trong tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy của người nông dân trong chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tới. Đây là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các ban ngành cùng chung tay thực hiện.

Hoàng Minh