Thiệt hại hàng tỷ đồng

Chỉ trong vòng một tháng, thuyền của ông Trần Văn Thà ở thôn 6, xã Vinh Thanh (Phú Vang) bị tàu giã cào các tỉnh khác phá hoại lưới cụ hai lần, thiệt hại trên 30 triệu đồng. Không có tiền mua sắm lại ngư lưới cụ và thuyền, ngư dân này nhiều ngày liền không thể ra biển. Nhiều thuyền khác dù đầy đủ lưới cụ vẫn không dám ra khơi. Ông Trần Văn Thà bức xúc: - “Nhiều lúc đang buông lưới thì tàu giã cào xuất hiện, ngư dân chúng tôi phải dừng hoạt động đưa thuyền vào bờ nhằm tránh hư hại ngư cụ. Tàu giã cào cứ gây hại thế này ngư dân làm sao sống được”.
Một chuyến biển hiếm hoi vừa trở về
Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá ven bờ xã Vinh Thanh - Trần Văn Hà cũng bày tỏ sự bức xúc trước vấn đề này. Ông Hà nói: “Khi chưa có tàu giã cào, tôm cá gần bờ nhiều lắm. Mỗi chuyến đánh bắt, ngư dân có thể thu về hàng tạ cá, thu nhập vài triệu đồng. Từ ngày nạn giã cào xuất hiện, nguồn thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt. Nhiều chuyến biển cao lắm cũng chỉ vài trăm ngàn đồng. Đó là chưa kể ngư cụ còn bị tàu giã cào phá hoại, nhiều chuyến biển bị lỗ”. Hầu hết 70 chiếc thuyền của xã Vinh Thanh từng bị tàu giã cào gây hại. Thuyền bị thiệt hại cao nhất trên 30 triệu đồng, thấp nhất 6-7 triệu đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay, ngư dân xã Vinh Thanh bị thiệt hại 750 triệu đồng. Tính 3 năm gần đây, toàn xã thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng vì tàu giã cào.
Ngư dân Hồ Bảy ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên (Phú Vang) cho rằng, tàu giã cào của các tỉnh không chỉ “vô tình” kéo luôn lưới của ngư dân mà còn cố ý đánh cắp. Có lần phát hiện lưới của mình bị kéo, ông Bảy đến van xin nhưng tàu giã cào nhất quyết không trả lại. Ông Bảy nói: “Mỗi vàng lưới, hay phao trà, lưới màn, lưới mó... có giá từ 10 triệu đến 50 triệu đồng là tài sản lớn đối với ngư dân vùng bãi ngang ven biển. Mỗi khi bị tàu giã cào kéo gây hư hỏng, hay lấy cắp, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thuận, công an xã Phú Diên cho biết, chỉ trong hai năm trở lại đây, trên địa bàn có khoảng 50 thuyền thì có đến 42 thuyền bị tàu giã cào gây hại, ước gần cả tỷ đồng.
Manh động, liều lĩnh
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho rằng, lực lượng kiểm ngư mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ nhiên liệu hạn chế là trở ngại lớn trong công tác tuần tra, truy bắt và xử lý vi phạm. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, lực lượng kiểm ngư rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và ngư dân. Khi phát hiện tàu giã cào, ngư dân cần báo ngay cho lực lượng kiểm ngư và cơ quan chức năng phối hợp triển khai xử lý kịp thời.
Xã Vinh Thanh được tỉnh cấp quyền quản lý, bảo vệ và khai thác khoảng 10 hải lý, dài 8km từ vùng biển xã Vinh Thanh đến giáp ranh xã Vinh Hiền (Phú Lộc). Quy định với nghề giã cào phải cách bờ 40 hải lý trở lên, nhưng nhiều tàu công suất lớn của các tỉnh, thành, như Quảng Nam, Đà Nẵng... vẫn ngang nhiên khai thác chỉ cách bờ vài hải lý. Cách đây mấy tháng, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức truy quét, khống chế và xử phạt một tàu giã cào 50 triệu đồng, buộc đền bù tài sản cho ngư dân 27 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Đào Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, có hàng trăm vụ vi phạm mà các lực lượng chức năng và ngư dân phát hiện nhưng không thể truy bắt và xử phạt được.
Trở ngại trong công tác truy đuổi, xử lý vi phạm lâu nay chủ yếu là do phương tiện tàu thuyền của ngư dân và các lực lượng chức năng quá thô sơ, trong khi tàu giã cào công suất lớn từ 400CV trở lên. Các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn nhiều hạn chế, nên rất khó khăn trong xử lý; trong khi đó, các thuyền viên tàu giã cào rất đông và manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả các lực lượng bằng vật cứng gây nguy hiểm. Một số cán bộ kiểm ngư, ngư dân từng bị ném đá, đánh bằng đùi gỗ bị trọng thương.
Biện pháp chủ yếu được các lực lượng áp dụng lâu nay là tuyên truyền, vận động ngư dân đưa tàu ra khỏi vùng cấm khai thác. Nhiều lần phát hiện có đến cả chục cặp tàu công suất lớn đánh bắt gần bờ, các lực lượng tổ chức tuyên truyền, xua đuổi; nhưng khi các lực lượng vừa trở vào bờ thì đoàn tàu giã cào quay trở lại khai thác... Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho rằng, tình trạng tàu giã cào gây hại trong thời gian gần đây khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt trong việc tuần tra, xử lý vi phạm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đời sống kinh tế cho ngư dân vùng bãi ngang ven biển.
Bài, ảnh: Hoàng Triều