Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Ảnh: Thái Bình
Thừa Thiên Huế là tỉnh luôn vượt trội ở mảng ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn quốc. Như năm 2019, chỉ số PAPI (quản trị hành chính công) vượt lên đứng thứ 5 trên 63 tỉnh, thành toàn quốc. Cũng trong năm này, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đạt hạng nhất trên toàn quốc với con số gần như tuyệt đối (0,9039 trên thang điểm 10), trong đó có hai chỉ số thành phần không ai cạnh tranh được là Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (1/63); Cổng thông tin điện tử của tỉnh (1/63, đây là năm thứ 3 liên tiếp đứng ở vị trí này), là tỉnh đứng thứ 2 nhóm các tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Chỉ số PCCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cũng đứng trong top cao so với cả nước. Và nổi bật nhất có lẽ là xây dựng đô thị thông minh và chính quyền điện tử hiệu quả.
Tại một cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT &TT) vào tháng 10/2019 về xây dựng đô thị thông minh, Thứ trưởng Bộ TT & TT Phạm Anh Tuấn cho rằng, Thừa Thiên Huế là hình mẫu về mô hình xây dựng đô thị thông minh (trên toàn quốc có 20 tỉnh thành triển khai mô hình). Cũng tại buổi làm việc này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc xây dựng đô thị thông minh được Thừa Thiên Huế xác định qua 3 giai đoạn: “thứ nhất là “vận động, động viên”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ; giai đoạn hai là “chế tài”, bắt buộc và giai đoạn ba là ứng dụng rộng rãi (coi công nghệ thông tin là nhu cầu và thường xuyên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ).
Thế mà mới đây, khi được tiếp cận một báo cáo về tình hình đầu tư và đầu tư công năm 2020, người viết bài này bất ngờ khi hóa ra, trong lĩnh vực này, mới có Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Xây dựng liên thông. Việc liên thông với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành xây dựng còn lại chưa có, nên chưa hoàn thiện quy trình liên thông. Trong khi UBND tỉnh đã ban hành quy trình liên thông thẩm định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đầu tư thì có nhiều khu vực, nhiều lĩnh vực. Tính về khu vực thì có khu vực tư nhân và khu vực nhà nước (xét về nguồn vốn); Còn lĩnh vực thì nhiều: công nghiệp, giao thông, dịch vụ, du lịch, văn hóa… Lĩnh vực nào cũng cần đến việc giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh gọn, tiết kiệm, minh bạch… Vậy các sở, ban ngành còn lại chưa liên thông với nhau thì giải quyết thế nào? Trong khi số dự án thực hiện không phải là ít, tính ra ở khu vực tư đã hơn 10.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương quản lý cũng hơn 5.000 tỷ đồng (năm 2020). Thì vẫn cứ phải giải quyết, nhưng không phải bằng cơ chế liên thông (ứng dụng công nghệ thông tin), cho nên rất có thể nó sinh ra chậm, phiền hà và cũng có thể là thiếu minh bạch!
Năm 2021, dự tính là vốn đầu tư, trong đó có vốn đầu tư công tiếp tục tăng. Thực hiện cơ chế liên thông là điều cần chú trọng để mọi công việc dính dáng đến thủ tục hành chính được giải quyết nhanh, suôn sẻ, minh bạch… Có lẽ phải cần một mệnh lệnh hành chính để những nơi nào chưa “liên thông” buộc phải liên thông! Chúng ta đã bước vào giai đoạn 3 của việc xây dựng đô thị thông minh, mà “linh hồn” của đô thị thông minh chính là chính quyền điện tử. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã từng nhắc đến: “Giai đoạn hai là giai đoạn “chế tài”, bắt buộc và giai đoạn ba là ứng dụng rộng rãi (coi công nghệ thông tin là nhu cầu và thường xuyên của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ).
Lê Phương