Họa sĩ Lê Hữu Long miệt mài lưu giữ nét đẹp của Huế
Ở đó, những công trình kiến trúc cổ không chỉ có vẻ đẹp sang trọng mà còn được người họa sĩ “nâng niu” với màu sắc liêu trai, tráng lệ như gửi gắm hết tâm tình, tình yêu cho những di sản còn tồn tại đến tận hôm nay. Người họa sĩ ấy chính là Lê Hữu Long (33 tuổi, ở An Đông, TP. Huế).
Trở lại đam mê
“Hội họa không chỉ là đam mê. Đó còn là đường dẫn giúp mình tiếp cận đến văn hoá thông qua kho tàng công trình kiến trúc cổ kính, đồ sộ mà người xưa để lại”, họa sĩ Long chia sẻ. Từng khởi nguồn đam mê hội họa bằng những bức ký họa trên một cuốn sổ tay từ thuở còn ngồi ghế trường mỹ thuật Huế, nhưng rồi đứt đoạn, gặp một vài thất bại trong cuộc sống, chàng họa sẽ trẻ ấy lại tìm về hội họa như một cơ duyên.
Nghề vẽ chỉ quay trở lại với họa sĩ Long cách đây chừng 2 năm. Mọi thứ thật tình cờ, khi chưa biết bắt đầu lại từ đâu anh được một vài người bạn rủ đi lang thang để tìm cảm hứng. Khi đi ngang qua Hoàng cung Huế, những ký ức năm tháng sinh viên quên ăn, quên ngủ đi ký họa những công trình bên trong đó ùa về. “Mình quyết định sẽ vẽ những công trình ấy. Đó không đơn thuần là kiến trúc di sản, mà ở mỗi công trình đó còn là một câu chuyện, một lớp trầm tích ẩn dày theo năm tháng, mình cần phải lưu lại”, họa sĩ Long nhớ lại.
Nói là làm, những ngày sau đó, chàng họa sĩ tay cầm tấm toan, vai đeo ba lô chất đầy các hộp màu, trong đó không thể thiếu… chiếc bay. Họa sĩ Long chỉ mê vẽ bằng bay, và anh bảo rằng chỉ có bay mới giúp anh thể hiện một cách thoả thích trong quá trình “ghi chép” di sản lên tấm toan của mình.
Những ai từng chứng kiến họa sĩ Long vẽ sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh thường trộn màu ở một góc tấm toan, nhiều màu trong đó được anh phối kết hợp một tinh ý để cho ra một màu sắc mới lạ, độc đáo. Cứ thế, ánh mắt hướng về phía di sản cần vẽ, tay anh uyển chuyển, đường bay đi một cách điêu luyện, cách điệu những đường cong mái ngói, trụ biểu… với tỷ lệ thu gọn hài hoà.
Những ngày theo chân họa sĩ Long lang thang khắp các đền đài, lăng tẩm, đình chùa… mới cảm nhận hết sự miệt mài, niềm đam mê vẽ đề tài di sản trong anh. Họa sĩ Long bảo rằng, nếu di sản Huế uy nghiêm, sang trọng dưới cái nắng hè thì ngược lại vào mùa đông sẽ trầm mặc, huyền ảo dưới những hạt mưa thăng trầm. Tuỳ vào thời gian, chiều kích mà mỗi công trình sẽ được người họa sĩ cảm nhận khác nhau, tác phẩm khi hoàn thiện cũng sẽ khiến người xem như lạc vào một không gian tưởng thật… mà không thật.
Lưu giữ nét đẹp của Huế theo cách riêng
Khó có thể kể hết những công trình kiến trúc di sản Huế được họa sĩ Long thu nhỏ vào tấm toan của mình. Không chỉ có những công trình nằm trong hệ thống di sản Huế bên trong Đại Nội, lăng Gia Long, lăng Khải Định, lăng Tự Đức, cung An Định… họa sĩ Long còn tranh thủ xuôi về những làng quê để “ghi chép” lại những đình làng An Truyền, Dương Nổ… rồi những ngôi cổ tự xứ Huế như Từ Hiếu, Diệu Đế. Chưa kể, những đêm thâu ngồi một mình để “kể chuyện” sông Hương bên cầu Trường Tiền, đêm trăng bên những dãy nhà cổ ở phố Bao Vinh…
Cửa Chương Đức, cổng Ngọ Môn qua nét vẽ của họa sĩ Lê Hữu Long
Lê Hữu Long chia sẻ, trước khi bắt tay thực hiện vẽ về một di sản nào đó, anh thường nghiên cứu rất kỹ. Anh mất thời gian để ngắm nghía di sản ở nhiều góc độ, thời điểm khác nhau. Những tài liệu liên quan cũng được anh đọc qua như để thấm hơn tinh thần, giá trị lịch sử mà công trình đó tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Ví như với Ngọ Môn, họa sĩ Long đã có không biết bao nhiêu tác phẩm về công trình được xem là biểu tượng của Huế. Nhưng tuỳ vào góc độ và thời gian, cánh cửa oai nghiêm, đồ sộ thể hiện uy quyền của một triều đại được người họa sĩ khắc họa bằng nhiều cảm xúc khác nhau.
“Vẽ Ngọ Môn ở góc nhìn chính diện, mình thấy được sự oai nghiêm, độc đáo của kiến trúc cung đình Nguyễn. Nhưng nếu nhìn Ngọ Môn từ xa, ẩn hiện qua những hàng cây khi chiều buông mình lại cảm nhận được vẻ đẹp thanh thoát, yên bình”, họa sĩ Long.
Có lẽ vì thế mà rất nhiều tác phẩm vẽ về đề tài di sản Huế của chàng họa sĩ trẻ lại hớp hồn người yêu nghệ thuật. Trong số đó, có rất nhiều người ở tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh từng có kỷ niệm với Huế, hay chính những người “ở Huế mà rất nhớ Huế” cảm tình khi thấy tranh của họa sĩ Long.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng – nhà sưu tập cổ vật ở TP. Huế, đã bị cuốn hút trong một lần chiêm ngưỡng tranh của họa sĩ Lê Hữu Long. Từng dành nhiều thời gian đi hết các di sản của Huế, nhưng đứng trước tranh của họa sĩ Long, anh phải thốt lên: “Quá ấn tượng. Có những góc vô cùng mới lạ, độc đáo mà không phải ai cũng thấy". Với tình yêu Huế, không riêng gì anh Hoàng mà nhiều người khác đã quyết định sở hữu những tác phẩm của họa sĩ Long, như một cách để gìn giữ, quảng bá nét đẹp của di sản Huế trường tồn theo năm tháng.
Không dừng lại ở Huế, họa sĩ Lê Hữu Long đang ấp ủ tham vọng sẽ đi đến nhiều vùng đất khác trên mọi miền Việt Nam để “lưu giữ” lại hồn cốt di sản theo cách riêng của mình. “Với mình hội họa là niềm đam mê. Còn mượn hội họa để lưu giữ các công trình di sản đó là tình yêu. Tổng thể đó là một hành trình đi tìm chính mình bằng đam mê và tình yêu” - họa sĩ Long trải lòng.
Phan Thành