Tủ sách Huế được xây dựng và phát triển nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách và phát triển văn hóa đọc

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế giai đoạn 2020 - 2025, trong năm 2020 - 2021, tỉnh sẽ thành lập Hội đồng tuyển chọn, Tổ chuyên gia thẩm định và Tổ giúp việc; xây dựng Quy định tiêu chí chọn ấn phẩm, quản lý, khai thác Tủ sách Huế.

Cũng trong năm 2021, tỉnh sẽ ra mắt sách “Địa chí Văn hóa Huế” - tác phẩm đặt hàng đầu tiên vào Tủ sách Huế, giới thiệu Tủ sách Huế; xây dựng, cập nhật danh mục và xây dựng cơ sở dữ liệu về các sách liên quan Huế; thiết kế Logo nhận diện đặc trưng Tủ sách Huế; chọn 3 - 5 tên đầu sách đề xuất xuất bản để đưa vào Tủ sách Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Tủ sách Huế chính là quảng bá văn hóa Huế, là phát triển văn hóa đọc, vì vậy việc xây dựng và hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực..., phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương.

Năm 2021, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ, phấn đấu nâng vị trí xếp hạng chỉ số CCHC (PAR Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu; duy trì ổn định chỉ số sẵn sàng và ứng dụng CNTT (ICT) của tỉnh trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Tin, ảnh: Thái Bình