Hành trang của cô gái Hà Nội

Từ cô gái một mình khám phá

Đó là Lãn Nguyên Huệ Trang, cô gái Hà Nội, thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt bằng xe đạp suốt nhiều tháng ròng. Huệ Trang chia sẻ: “Thông qua chuyến hành trình này, không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh vật, con người, mình mong mỏi sẽ được học hỏi thêm nhiều điều về chính bản thân, tâm hồn”.

Chọn lựa xe đạp với mong muốn được trải nghiệm nhiều nhất có thể, Huệ Trang thong dong ngắm nhìn thế giới từ những điều nhỏ bé nhất. Hành trang trên chuyến hành trình ấy chỉ vọn vẹn một ít tiền mặt, 3 bộ đồ, sách vở, dụng cụ sửa xe, đồ công nghệ, đồ tự vệ…

Hành trình của cô gái trẻ bắt đầu từ tháng 5/2020. Trải qua 6 tháng di chuyển, cô gái Hà Nội đặt chân qua các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng... Trên chặng đường ấy, Huệ Trang không giới hạn thời gian. Địa chỉ nào cảm thấy phù hợp thì tìm đến, cũng bởi thế, Trang đã có những trải nghiệm khó quên.

“Mình rất may mắn vì đã được gặp và quen những tấm lòng nhân hậu, những người chú, người bác, người chị, người bạn, người em chân tình. Không chỉ tạo điều kiện ăn ở, mọi người còn trò chuyện, cùng đi thăm thú và mời mình dự sinh nhật, đám cưới”, Trang chia sẻ. Đặc biệt, trong thời gian hơn 1 tháng ghé thăm Huế, cô gái nhỏ đã có những kỷ niệm đáng nhớ ở chốn Cố đô.

Huệ Trang vui vẻ: “Với mình chùa Thiên Mụ, cầu gỗ lim, các lăng tẩm, đâu đâu cũng đều rất đẹp, nên thơ. Vào ngày 112 của cuộc hành trình, mình cùng các bạn mới quen đã đến thăm đồi Vọng Cảnh để mong ngắm nơi hoàng hôn được mệnh danh là đẹp nhất nước…”.

Niềm vui ngồn ngộn trong mỗi địa điểm thăm thú, nhưng vẫn có những rủi ro trên đường mà cô gái Hà Nội phải đối mặt. Đó là những lúc xe đạp hỏng hóc, kiệt sức trên đường đèo, thậm chí Huệ Trang còn bị gạ gẫm khi đang trên chuyến hành trình. Vì thế, theo kinh nghiệm của Trang, tốt nhất là bình tĩnh đối mặt và tìm cách ứng phó. Đó là bí quyết phù hợp để xử lý tất cả mọi tình huống dù là ngặt nghèo nhất.

Thời gian tới, Huệ Trang dự định sẽ thực hiện chuyến hành trình dài hơi từ Hà Nội lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tiếp tục thu hoạch những bài học cho mình. Trong hành trang ấy, cô gái trẻ đã gói ghém cho mình rất nhiều tình yêu thương và vẻ đẹp đất nước.

Đến chàng trai Hàn Quốc yêu Việt Nam

Chia sẻ về mục đích của chuyến hành trình thăm quan Việt nam theo cách khác lạ, Bae Dong II (tên tiếng Việt thường gọi là Hải Đăng) nói: “Đi các loại phương tiện khác thì nhanh quá, trong khi mình lại muốn biết và hiểu rõ hơn về Việt Nam. Vì thế, mình quyết định du lịch bằng xe đạp”.

Gần 1 tháng trời, Dong II rong ruổi khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Đặc biệt khi dừng chân tại Huế, chàng sinh viên khoa Việt Nam học này đã có những thước phim thú vị. “Mình được đến những nơi muốn đi nhưng chưa đi được. Như ở Huế chẳng hạn, phát triển nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Ấn tượng nhất với mình ở đây là những cây cầu ở các cửa thành, chúng trầm mặc và rất thu hút”. Ngoài ra, chàng trai Hàn Quốc còn ghé thăm Đại Nội Huế, Trường Quốc học, Kỳ Đài, cầu gỗ lim... Mỗi trải nghiệm đáng nhớ ấy đều được Dong II ghi lại, vun vén thêm tình yêu dành cho đất nước mà anh chọn theo học.

Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, với niềm vui được chiêm ngưỡng các cảnh đẹp, di tích của Việt Nam, tuy nhiên chàng trai đạp xe xuyên Việt này vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Đó là việc bị “chặt chém” lúc mua đồ ăn, thức uống. Hay gian nan như Huệ Trang, Dong II phải rất vất vả để vượt qua đèo Hải Vân. Anh nói: “Mình nhớ lại mục đích ban đầu của mình, và quyết tâm bất chấp những lời can ngăn ra sao để thực hiện chuyến đi này. Từ đó đôi chân mình có thêm động lực và vượt đèo thành công. Ngoài ra, mình được rất nhiều người tốt giúp đỡ, đó cũng là lý do mình vững vàng hơn”.

Mong muốn quảng bá văn hóa Việt Nam đến Hàn Quốc và ngược lại, dự định của Dong II là tìm kiếm một công việc tại Việt Nam để hiện thực hóa ước mơ. Trên chuyến hành trình không quá dài nhưng ăm ắp trải nghiệm của mình, chàng trai Hàn Quốc đã lưu giữ bút tích của những người anh gặp trên lá cờ tổ quốc. Nếu được may mắn công tác tại Việt Nam, đó sẽ là động lực thúc đẩy Dong II cố gắng. Ngược lại, khi phải trở về quê hương, lá cờ sẽ nhắc nhớ Dong II rằng anh đã có những trải nghiệm đáng nhớ và quý giá ở Việt Nam như thế. Khi mà không phải người trẻ nào cũng dũng cảm trải nghiệm.

Bài: MAI HUẾ

Ảnh: Nhân vật cung cấp