Sản phẩm mây tre đan Bao La có chỗ đứng trên thị trường
Nhận diện OCOP
Trà rau má là một trong những sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng. Gắn sản xuất an toàn với tiêu thụ, chế biến, sản phẩm giúp người dân xã Quảng Thọ, Quảng Điền có thu nhập gần 250 triệu đồng/ha/năm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến, HTXNN Quảng Thọ 2 đã tổ chức liên kết với các hộ dân triển khai dự án mở rộng diện tích trồng rau má an toàn từ 25 ha lên 65 ha.
Chính thức có mặt trên thị trường tháng 11/2014, để hình thành sản phẩm, từ tháng 5/2014, HTXNN Quảng Thọ 2 đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng hệ thống sấy và các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Đến nay, HTX sản xuất thành công các loại sản phẩm trà túi lọc và trà sấy khô, bột rau má matcha. HTX thành lập các điểm cung ứng sản phẩm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh...
Ông Ngô Văn Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, xác định OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM, Quảng Điền tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng diện tích để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển sản phẩm, hướng đến chứng nhận OCOP. Trong đó, huyện tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh như rau an toàn, thịt, trứng... theo hướng VietGAP.
Quảng Điền chọn các sản phẩm nổi bật để đầu tư hạ tầng, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình OCOP trên địa bàn. Ngoài sản phẩm trà rau má, trên địa bàn huyện còn có sản phẩm mây tre đan Bao La vừa được tỉnh chứng nhận OCOP.
Gạo Phú Hồ vừa được tỉnh công nhận OCOP là nỗ lực lớn của HTX trong quá trình sản xuất gạo an toàn, theo chuỗi giá trị. Từ năm 2016, HTX phối hợp với hộ thành viên, nông dân nhân rộng mô hình lúa chất lượng cao theo cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 100ha, gắn với bao tiêu, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Theo đó, HTX chọn 2 giống gạo đặc sản là Bắc thơm 7 và Hương thơm gửi Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh để kiểm nghiệm chất lượng gạo cũng như chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Theo Hội đồng Tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong số 17 sản phẩm được công nhận và cấp giấy chứng nhận OCOP có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh đang tiếp tục đánh giá phân hạng thêm 17 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020. Các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao đều có chất lượng tốt, mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa đa dạng. Đây cũng là các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng, bước đầu tiếp cận thị trường trong nước.
17 sản phẩm OCOP, gồm: Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá Bao La; trà rau má Quảng Thọ; khăn choàng Nhâm; Gạo Phú Hồ; mật ong ruồi Nam Đông; nước mắm cá Như Ý; Gạo hữu cơ An Lỗ; Gạo thơm Thủy Thanh; Tinh dầu tràm Trường Hải; Mắm nêm cá cơm Mệ Em; Nước mắm cá cơm Xuân Anh; Nước mắm ruốc Làng Trài; Nước ớt Vinh Xuân; Nước mắm ruốc Hương Giang; Rượu Tà Rương Mão; Rượu Ô Lâu; Bưởi cốm Hương Thọ.
Tạo sự lan tỏa
Sau gần 2 năm triển khai, Chương trình OCOP đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, 17 sản phẩm được công nhận OCOP là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng của các địa phương.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La cho rằng, các sản phẩm được công nhận OCOP còn đơn lẻ, tính cộng đồng chưa cao; chưa chú trọng phát triển sản phẩm đặc sản, có nhiều tiềm năng, lợi thế. Hầu hết các địa phương, HTX vẫn còn sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún; chưa chủ động ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo nguồn sản phẩm hàng hóa lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTXNN Thuận Hòa (TX. Hương Trà), tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP của địa phương vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình tại HTX còn hạn chế, một phần do khó khăn về tài chính, đồng thời một số cán bộ, người dân địa phương chưa nhận thức đầy đủ về bản chất, nguyên tắc của Chương trình OCOP, cũng như lợi ích khi tham gia chương trình.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng thúc đẩy hoàn thành nhóm tiêu chí “sản xuất - thu nhập - hộ nghèo” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thời gian đến, các DN, cơ sở sản xuất cần tích cực tham gia hưởng ứng chương trình để phát triển sản phẩm trong chiến lược phát triển SXKD của đơn vị. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát các sản phẩm có lợi thế để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu tập trung, an toàn phục vụ chế biến gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Quá trình sản xuất sản phẩm an toàn, VietGAP, các sở, ngành, chính quyền địa phương kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong điều kiện thị trường ngày càng khắt khe, yêu cầu đặt ra với các sản phẩm phải đa dạng chủng loại, mẫu mã, bao bì và đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Cơ quan quan chức năng hướng dẫn các tổ chức, đơn vị về quản lý chất lượng sản phẩm, cách thức hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng “câu chuyện sản phẩm”; cách thức phát triển hệ thống phân phối, tiếp thị sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, bảo vệ môi trường trong quá trình SXKD. Đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện chương trình được nâng cao năng lực tư vấn, đánh giá chất lượng sản phẩm. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP và các sản phẩm hướng đến đăng ký, công nhận OCOP...
Bài, ảnh: HOÀNG THẾ