Dù ban ngày phải mưu sinh, nhưng tối đến nhiều "học sinh" vẫn miệt mài bên trang sách |
Ngày mưu sinh, tối đến lớp
7h tối, trời mưa tầm tã. Chúng tôi tìm đến lớp học tại khu tái định cư thủy diện thuộc tổ dân phố 2, phường Hương Hồ do thầy Nguyễn Văn Trai, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà giảng dạy. Đó là một phòng khách của nhà chị Nguyễn Thị Tho, Chi hội trưởng phụ nữ tổ 2. Bàn ghế được trưng dụng của gia đình và của quán bánh canh gần đó. Chiếc bảng di động bé tí teo nên thầy Trai phải viết chữ bé lại mới đủ chỗ. 23 “học sinh” đều có gia đình và có người đã trở thành bà nội, bà ngoại. Người nhỏ tuổi nhất đã 29 và lớn tuổi nhất là gần 60. Họ đều là những cư dân vạn đò, được tái định cư năm 2008 (trước là thôn Thọ Khương): Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, giờ đây, các chị mới có cơ hội học xóa mù để đọc được chữ, không còn phải lăn tay điểm chỉ thay chữ ký mỗi khi cần giao dịch hành chính.
Đều đặn vào các tối thứ 3, 5, 7, các chị đều tranh thủ kết thúc công việc sớm hơn để kịp lên lớp. Hôm nay, cả lớp học ghép vần C và D. Suốt gần 2 tiếng đồng hồ, thầy giảng, trò đọc, viết theo. Lớp trưởng Huỳnh Thị Luyện (57 tuổi) vì mắt kém nên chỉ ngồi nghe giảng, không viết được.
Trong số các học viên, nhiều người từng đi học nhưng cũng không ít người chưa được học bao giờ. Mỗi người một cảnh. Chị Võ Thị Thảo (39 tuổi) rụt rè kể: “ - Hồi đầu đến lớp tôi ngại lắm, vì con học cao đẳng mà mẹ không biết chữ mô. Nhưng mọi người động viên nhau học cho được cái chữ. Không chỉ viết được tên mình để khỏi phải nhờ người ghi giùm, đọc giúp khi có việc cần mà sắp tới còn có thể tham gia các lớp đào tạo nghề khi Hội tổ chức”. “Học sinh” Trần Thị Chanh (32 tuổi) vì con còn nhỏ nên muốn biết chữ để “khi mua thuốc mới có thể đọc được tên và cho con uống đúng thuốc”. Làm nghề bán cá nên đôi tay chị Hồ Thị Lĩnh (39 tuổi) chai sần nhưng chị vẫn cố cầm bút, nắn nót ghi từng chữ một. Chị Lĩnh tâm sự: “ - Hồi trước vì mưu sinh nên không quan tâm tới việc học hành. Nhưng không biết chữ khổ lắm, được gia đình động viên nên dù vất vả tôi sẽ cố gắng theo học”.
Tâm huyết
Về quá trình mở lớp, chị Nguyễn Thị Tho cho biết: “-Trước đây, số lượng hội viên CLB Bình đẳng giới luôn là nam nhiều hơn nữ do nhiều chị em không biết chữ. Mặt khác, qua những buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ tổ, biết nhiều chị muốn tham gia Hội nhưng ngại cũng vì lý do trên nên chúng tôi đã quyết tâm mở lớp học xóa mù này”. Nói là làm, chị cùng với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hương Hồ - Nguyễn Thị Kim Lan đi vận động chị em trong tổ tham gia. Dưới sự giúp sức của Hội LHPN thị xã và chính quyền địa phương, sau hơn 1 năm vận động, đầu tháng 9-2014, lớp học được thành lập. Buổi học đầu tiên, chỉ có 10 học viên, nhưng sau 2 tuần lớp đã có trên 20 người.
Nhiệt tình, tâm huyết với công việc nên ngoài thời gian giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà, suốt 12 năm nay, năm nào thầy Nguyễn Văn Trai cũng đảm nhận một lớp xóa mù tại địa phương. Nhiều lớp xóa mù ban đêm tại Bình Thành hay Hồng Tiến đều in dấu chân thầy. Thầy Trai kể: “ - Dạy chữ cho người lớn rất khó. Do trình độ tiếp thu không đều nên để những học trò đặc biệt này, nắm được kiến thức cần truyền đạt thì giáo án phải phù hợp với trình độ người dân. Ngoài ra chương trình dạy lớp xóa mù cũng khác rất nhiều so với chương trình phổ cập. Nhưng cũng may, tôi có vợ dạy cấp 1 nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay”. Khi được hỏi về mình, thầy Nguyễn Văn Trai chỉ nói giản dị: “ - Mình có điều kiện hơn thì giúp đỡ các chị thôi. Mang đến cái chữ cho những người chưa biết chữ là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi”.
Học trò được thầy Trai bỏ tiền túi mua bút, vở cho và hội phụ nữ hỗ trợ mua bàn... “Thầy giáo tâm huyết với lớp như vậy, chúng tôi sao vắng mặt được. Phải học chăm chỉ để không phụ công thầy”, lớp trưởng Huỳnh Thị Luyện cho hay. Theo chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPH thị xã Hương Trà lớp học mở ra, mục tiêu là để cho các bà, các chị biết chữ, biết viết. Học viên đều là phụ nữ lao động, vậy mà vẫn nhiệt tình đi học, chẳng vắng một buổi nào. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là do Tổ dân phố 2 chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng nên điều kiện học tập không đảm bảo.
Bài, ảnh: Liên Minh