Bảo đảm nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, hiệu quả; chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Bảo đảm dự trữ đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Cung ứng điện thường xuyên, liên tục và an toàn, không để thiếu điện trong mọi tình huống; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe…

Quy định mới về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Chính phủ ban hành Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập (Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ); hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư, ủy thác và nhận ủy thác để thực hiện chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC).

Phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030”.

Chương trình đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 của thế giới về lĩnh vực toán học, trong đó có ít nhất 2 cơ sở được xếp hạng trong top 400.

Hoàn thiện dữ liệu tài nguyên và môi trường

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương”.

Mục tiêu nhằm hoàn thiện nền tảng tài nguyên số về tài nguyên và môi trường với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu đầu vào cơ bản, cần thiết cho Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nhanh chóng về tài nguyên và môi trường; tạo lập được hệ thống dữ liệu mở Chính phủ ngành tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch bao gồm các nội dung theo quy định tại Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch (mục II, Phụ lục III quy định cụ thể đối với nội dung Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản) gồm nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; phân tích, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản…

Nâng cấp 2 cửa khẩu chính, lựa chọn 8 KKT cửa khẩu trọng điểm để đầu tư phát triển

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 182/NQ-CP và Nghị quyết 183/NQ-CP quyết nghị nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập (tỉnh Sơn La) và cửa khẩu chính Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thành cửa khẩu quốc tế.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

8 KKT cửa khẩu gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), KKT cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); KKT – thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), KKT cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), KKT cửa khẩu tỉnh An Giang.

Theo baochinhphu.vn