Bữa cơm của bà con di tản trong đợt lũ

Câu chuyện bắt đầu từ anh Trần Văn Diệp, sinh năm 1983, ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Năm 2014, sau nhiều ngày chăm mẹ bị bệnh nặng ở Bệnh viện Trung ương Huế, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, anh nảy ra ý tưởng kêu gọi người thân, bạn bè chung tay giúp đỡ những bệnh nhân nghèo.

Sau khi trình bày ý tưởng, anh Diệp nhận được sự hưởng ứng của gần 10 người và thống nhất lấy tên là Hội Phát Thiện Tâm (hội) do anh Diệp làm hội trưởng. Vào các ngày rằm, mùng 1 Âm lịch hàng tháng, mỗi hội viên góp từ 50 đến 100 nghìn đồng để mua nguyên liệu nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Anh Diệp nhớ lại: “Từ những ngày đầu tham gia, ai cũng hào hứng, nhất là mấy o, đến ngày nấu cháo thì tập trung trước một đêm để sáng mai thức dậy từ 1 giờ sáng hầm xương, nhặt rau… kịp mang lên phát cho bà con ăn buổi sáng”.

Chi phí mỗi nồi cháo khoảng 1 triệu đồng, nhưng tiền chuyên chở mất 300 nghìn đồng, mà số lượng cháo chẳng bao giờ đủ là điều khiến các thành viên luôn trăn trở. Để giải quyết khó khăn, người tăng cường gặp bạn bè, người thân vận động, người đăng công khai các hoạt động của hội lên trang cá nhân… Nhờ đó, hội đã nhận thêm nhiều sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm; riêng chị em tiểu thương chợ Hòa Duân, hầu như ai cũng đóng góp, ít thì 50 nghìn đồng, nhiều thì 200 nghìn đồng; bà con ở xa, nhất là đồng hương Phú Thuận có người hỗ trợ vài triệu đồng cùng nhiều lời động viên để mọi người có thêm động lực giúp đỡ người nghèo. Với kinh phí thu được gần 10 triệu đồng/tháng, hội nấu thêm cơm phát cho người nhà bệnh nhân; đồng thời, mở rộng thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như trao quà cho các hộ nghèo có người ốm đau, tang gia, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó…

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2, hội cùng chính quyền địa phương tham gia nấu cơm phục vụ Khu cách ly T3 từ ngày 6 đến 14/8; chung tay cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nấu 300 suất cơm và đóng góp 30 thùng mì gói phục vụ bà con di dân trong đợt bão lụt vừa qua; tổ chức nhiều chuyến xe chở quà hỗ trợ đến các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt.

Chị Lương Thị Kim Ngọc, hội viên của hội, trải lòng: “Tham gia hoạt động của hội tuy bận rộn, nhưng đầy ắp niềm vui. Có khi cũng phải rơi nước mắt trước những cảnh đời thiếu may mắn, nhưng bản thân luôn tự hào vì tin rằng mình đã sống có ích”.

Chị Trần Thị O. sinh năm 1966, ở  thôn Xuân An xúc động: "Nhà nghèo lại mắc bệnh nan y, những món quà và sự động viên của các anh chị trong Hội Phát Thiện Tâm chính là cái chìa tay đúng lúc giúp tôi có thêm động lực chiến đấu với bệnh”.

Đến nay, Hội Phát Thiện Tâm có 32 thành viên thường xuyên và nhiều cộng tác viên sẵn sàng chung tay khi công việc nhiều. UBND xã Phú Thuận bố trí chọn nhà tự quản của chợ Hòa Duân làm nơi để các thành viên tập trung nấu nướng thức ăn cho bệnh nhân.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Nhiều thành viên trong Hội Phát Thiện Tâm cũng có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn góp sức làm việc thiện, thể hiện "tinh thần tương thân tương ái". Mong  rằng, tinh thần đó sẽ ngày một lan tỏa trong cộng đồng, tô đẹp cho cuộc sống”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN