Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự hội nghị - Ảnh: QUANG HIẾU

Đây là hội nghị trực tuyến lớn với quy mô toàn quốc diễn ra trong hai ngày 28 và 29/12 với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, tất cả các thành viên Chính phủ và nối điểm cầu truyền hình trực tuyến với nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Không chỉ là hội nghị tổng kết năm 2020, đây còn là dịp Chính phủ đánh giá kết quả điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định năm 2020 là năm thành công nhất với sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương đồng", đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, tiền đồ to lớn và tốt đẹp theo lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nêu.

"Đặc biệt năm 2020, trong khi nhiều nước rơi vào suy thoái thì Việt Nam là nước hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh kiểm soát vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông, công tác tuyên giáo đạt được hiệu quả" - người đứng đầu Chính phủ nói.

"Đến thời điểm này tôi khẳng định ta đạt được mục tiêu kép trong duy trì tăng trưởng kinh tế và phòng chống dịch. Công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng được đẩy manh, thiết lập lại môi trường kỷ cương phép nước" - Thủ tướng nhấn mạnh thành công này không chỉ đo được những gì đạt được mà còn là trở ngại vượt qua.

Chính phủ họp trực tuyến quy mô toàn quốc với các địa phương trong cả nước để bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - Ảnh: Chinhphu.vn

Thương hiệu quốc gia đứng thứ 33 thế giới

Đánh giá cụ thể về tình hình 5 năm, Thủ tướng nhấn mạnh toàn Đảng, toàn dân tạo ra 1.200 tỉ USD giá trị GDP. Dù khó khăn của dịch COVID-19, trải qua suy thoái, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng đương gần 3%. Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỉ USD, vượt qua nền kinh tế đứng cao trong khu vực.

Việt Nam là top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tăng trưởng không chỉ phụ thuộc riêng vào khu vực Nhà nước mà còn đến từ khu vực tư nhân.

Thủ tướng cho hay: "Thương hiệu quốc gia Việt Nam đứng thứ 33 thương hiệu thế giới, nhờ vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 Việt Nam nổi lên là thiên đường sản xuất mới. Thị trường chứng khoán phát triển, giúp bổ sung thêm 120 tỉ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm. Năng lực tài chính, độ vững mạnh ngân hàng tiếp tục được củng cố, dự trữ ngoại hối gần 100 tỉ USD.

Chính sách tỉ giá không nhằm mục tiêu duy trì xu hướng xuất khẩu mà phản ánh khách quan thị trường. Nợ công kéo giảm xuống mức an toàn hơn, không gian tài khóa và dư địa chính sách nâng lên, là bệ đỡ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh".

Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu điều hành GDP năm 2021 lên mức 6,5%, đặt quyết tâm cao hơn cho phát triển kinh tế xã hội.

Nguồn: Chinhphu.vn

Không chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ về chi phí y tế

Tuy vậy, đánh giá về những hạn chế, Thủ tướng nhìn nhận tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, chưa thực sự bền vững.

"Việc làm của người dân một số khu vực còn chưa đảm bảo, đặc biệt ở nông thôn. Nhiều địa phương tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng tiềm năng, đặc biệt miền núi, vùng sâu vùng xa. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Chất lượng giáo dục, y tế còn nhiều bất cập, hạn chế.

Đô thị hóa nhưng vẫn còn những khu nhà lụp xụp. Tệ nạn xã hội, ma túy còn diễn biến phức tạp, tình trạng bạo hành xâm hại trẻ em. Ô nhiễm môi trường, tác động biến đổi khí hậu ngày càng hiển hiện rõ..." - Thủ tướng nêu cụ thể.

Nhấn mạnh Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu quốc gia về thu nhập nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong những ngành và lĩnh vực mới khai phá, Thủ tướng cho rằng cả hệ thống chính trị và người dân cần có trách nhiệm biến cơ hội thành lợi thế, nguồn lực cho tăng trưởng.

Hơn lúc nào hết, Thủ tướng cho rằng "sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo môi trường để mọi người dân đóng góp và phát triển, không để ai bỏ lại phía sau". Cùng với đầu tư những dự án lớn, không thể bỏ qua những con đường, chiếc cầu nông thôn.

Đầu tư hệ thống y tế sức khỏe phù hợp với mọi người dân, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế, sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế...

Nguồn: Chinhphu.vn

"Chính phủ không chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ về chi phí y tế. Chúng ta cũng đang xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bảo vệ người yếu thế trong xã hội, bảo vệ người già, trẻ em người tàn tật, cô đơn; giúp người lao động tìm việc làm mới.

Quan tâm công tác an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền. Gắn với đó là công tác bảo vệ môi trường, Chính phủ đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ