Tổng đàn bò trên địa bàn hiện có 29.733 con, ổn định so với cùng kỳ

Theo báo cáo Chi cục CN&TY, năm 2020 tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra ở nhiều tỉnh. Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã có 12 tỉnh có ổ dịch.

Tính đến nay, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh hiện có 16.595 con, tổng đàn bò có 29.733 con, ổn định so với cùng kỳ (đàn bò lai chiếm 70% tổng đàn). Tổng đàn lợn có 133.588 con, tăng 9,9%. Tổng đàn gia cầm có 4.437 nghìn con, tăng 8%. Đàn gia cầm tăng do người chăn nuôi chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 27.871 tấn, tăng 8,3%. 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000 hộ, cơ sở sau khi nghỉ nuôi do ảnh hưởng của bệnh DTLCP đã nuôi lại để tái đàn, tăng đàn (trong đó có 40 doanh nghiệp, trang trại). Số lợn hiện có hầu hết được tái nuôi. Doanh nghiệp và trang trại lớn, trang trại vừa và tái nuôi khoảng 80.000 con, chiếm khoảng 60% số tái đàn.

UBND tỉnh đã  có chủ trương hỗ trợ tái đàn, tăng đàn lợn kịp thời nhằm tăng nguồn cung cấp sản phẩm để bình ổn giá thịt lợn, cơ bản phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, khôi phục công ăn việc làm cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY khẳng định, để chủ động phòng chống dịch bệnh, chi cục đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống, phối hợp chính quyền địa phương, chỉ đạo trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã triển khai công tác chỉ đạo thực hiện tiêm phòng đồng bộ, giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, thông tin, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh xảy ra để kịp thời xử lý, không để lây lan thành dịch.

Năm 2021, ngành chăn nuôi xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, hữu cơ, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái.

Tin, ảnh: Hà Nguyên