1. Gần đây, các thế lực thù địch đã tung ra nhiều luận điệu tố cáo về mất dân chủ, vi phạm nhân quyền được cho là chỉ có dưới chế độ độc tài của Đảng. Chúng cho rằng nguyên nhân của xáo trộn xã hội là chế độ độc đảng, từ đó sinh ra độc quyền, lộng quyền. Đó là nguồn gốc của nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan, tiêu phí tiền bạc của Nhân dân. Chúng cho rằng, Đảng không để ý đến quyền lợi của người dân, thậm chí đưa ra chính sách, quy định gây bất lợi cho đại bộ phận trong xã hội. Chúng viện dẫn những vụ khiếu kiện kéo dài có liên quan đến “cưỡng chiếm đất đai”; những dự án ảnh hưởng môi trường, sinh kế của người dân... Những luận điệu được tung ra có vẻ như bảo vệ quyền lợi của người dân, chống độc quyền nhưng lồng vào đó là “điều kiện tiên quyết” cần phải có “luật Đảng”. Nghĩa là phải có luật để khống chế “vi phạm” của Đảng và “nhà cầm quyền” trong quản lý xã hội.

Chúng ta cần phải hiểu ý đồ sâu xa của kẻ xấu là nhằm tạo nên làn sóng của dân chúng tẩy chay, không tuân thủ theo sự lãnh đạo của Nhà nước. Những năm trước đây, nhất là khi đưa ra lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, các loại đối tượng tìm cách chống phá quyết liệt, nhất là đòi xóa bỏ nội dung Điều 4. Thực chất là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với đất nước, cao hơn là loại Đảng “ra khỏi vòng pháp luật”. Đến thời điểm hiện nay, vị thế và uy tín của Đảng đang được nâng cao ở trong, ngoài nước cho nên chúng chuyển phương thức mới. Những luận điệu nêu ra một phần là từ các thế lực chống đối bên ngoài, nhưng phần lớn là do các tổ chức, cá nhân mượn danh “dân chủ” trong nước tung ra. Quyết liệt nhất là những kẻ bất mãn, thoái hóa, biến chất đã bị xóa tên, khai trừ ra khỏi Đảng hoặc bị pháp luật xử lý.

2. Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, cho thấy rằng Đảng không phải đứng trên hay đứng ngoài pháp luật để “cai trị” xã hội mà đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Từng tổ chức Đảng và đảng viên phải tuân thủ theo pháp luật, không ai được phép vi phạm. Điều lệ Đảng nêu rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”, đảng viên phải “chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Không có điều khoản nào cho phép tổ chức Đảng, đảng viên đứng trên pháp luật, làm trái luật. Đảng cũng không cho phép lợi dụng danh nghĩa đảng viên để làm trái hoặc vi phạm quyền dân chủ của người dân.

Trong thực tế là có một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, vi phạm lợi ích của Nhân dân. Những kẻ đó chỉ là thiểu số, không thể đại diện cho hàng triệu đảng viên và tổ chức Đảng. Trong chức năng của mình Đảng đã chủ động, quyết liệt trong kiểm tra và đề nghị xử lý theo pháp luật, không có vùng cấm, bất kể đó là ai. Những đảng viên vi phạm chưa đến mức truy tố theo pháp luật sẽ bị xử lý theo Quy định 102- QĐ/TW “Về xử lý đảng viên vi phạm” của Ban Chấp hành Trung ương. Theo thông lệ, nguyên lý luật pháp quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam là không truy tố về tổ chức mà chỉ truy tố với cá nhân. Khi đã vi phạm thì từng cá nhân bị xử theo điều luật quy định, không kể đó là đảng viên hay người dân bình thường. Người càng giữ chức vụ cao càng đòi hỏi phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, phải gương mẫu. Thực tế một loạt đảng viên, lãnh đạo cấp cao bị truy tố khi đã vi phạm pháp luật vừa qua là chứng minh rõ ràng nhất. Đó là nguyên tắc nhất quán của Đảng từ Trung ương đến địa phương.

Đòi hỏi cần có “luật Đảng” là trái nguyên lý, là cái cớ để tạo ra bất ổn trong xã hội. Chúng ta không bao giờ chấp nhận đòi hỏi phi lý đó và cần cảnh giác với những chiêu trò xảo trá trong tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch trước Đại hội Đảng lần thứ XIII.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH