Một góc thủ đô Pari trong những ngày đón năm mới 2021. Nhiều du học sinh Việt Nam và người Huế ở đây hạn chế ra ngoài bởi lo ngại dịch bệnh. Ảnh: M.L

“Đây là năm thứ 3 mình đón năm mới ở Mỹ, và là năm đầu tiên mình phải đón năm mới trong một không khí khác thường so với những năm trước đó. Chỉ ở trong nhà và chúc mừng qua mạng xã hội mặc dù bên ngoài phố phường trang trí khá đẹp”, Hồ Hương, du học sinh người Huế đang làm nghiên cứu sinh ở Ball State University (Indiana, Mỹ) nói.

Cô gái người gốc Phú Vang kể, hầu hết người Mỹ nói chung và các du học sinh nói riêng được khuyến cáo hạn chế ra đường vào thời điểm giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trước lo ngại của dịch bệnh COVID-19 diễn biến khá phức tạp. Vì thế, các dự định trước đó đã được Hương và nhóm bạn lên kế hoạch như cùng nhau đi chơi, tổ chức tiệc ngoài trời… không được thực hiện. Mọi người cũng không đến thăm nhà nhau, chỉ có việc thật cần mới ra ngoài và gặp nhau.

Những ngày gần đây, có số ca mắc COVID-19 ở nơi Hương sống được chính quyền thông báo tăng nhanh trở lại. “Người ta đã khuyến cáo hạn chế ra ngoài cũng phải chấp hành, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng, vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân. Bên ngoài, cảnh sát được tăng cường để ngăn các cuộc tụ tập đông đúc.

Tất cả chỉ biết nguyện cầu, chúc mừng một năm mới trong không khí yên lặng, mong rằng năm 2021 mọi thứ sẽ khác hơn, bình yên và dịch bệnh COVID-19 sẽ không còn”, Hương mong muốn vào ngày đầu năm mới.

Trong khi đó, tại thành phố Brisbane (Úc), Lê Xuân Quang người Phú Lộc cũng đang làm nghiên cứu sinh của một trường đại học nơi này nói rằng: “Mọi thứ vẫn chưa ổn lắm. Tất cả trông chờ vào vắc xin”. Mọi hoạt động từ đón giao thừa, vui chơi, giải trí… những ngày năm mới gần như bị hạn chế. 6 năm làm việc và học tập ở Úc với anh Lê Xuân Quang ký ức về năm 2020 là một năm khó khăn. Việc học hành bị gián đoạn, công việc thất thường, thời gian giãn cách xã hội được chính quyền ban bố liên tục.

Anh Quang cho biết, mặc dù nơi mình sống vẫn được trang trí lộng lẫy nhưng chính quyền lại người ta khuyến cáo hạn chế ra đường, tụ tập nơi đông người. Thay vào đó, mọi người ở nhà đón năm mới qua các phương tiện truyền thông trực tuyến. Sự khác nhau giữa thời khắc tiến năm cũ vào chào đón năm mới 2021 bên này khác những năm trước khi thiếu những cái ôm, câu chúc mừng, những lần cụng ly ngay giữa phố.

Không còn cách nào khác, Quang cùng nhóm bạn du học sinh người Việt sống chung nhà tự làm một vài món ăn nhanh, cùng đón giao thừa với nhau một cách lặng lẽ, khép kín. “Có lẽ nếu ở Việt Nam thời điểm này, mọi người sẽ ra đường xem pháo hoa, chúc nhau một năm mới trong không khí sôi động thì bên này ngược lại hoàn toàn. Xin gửi lời chúc mừng năm mới mọi người, nhất là quê hương Việt Nam. Thật tuyệt vời, khi chúng ta đã khống chế rất tốt dịch bệnh. Hy vọng năm 2021, mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng tích cực”, anh Quang chia sẻ.

Hai cộng đồng có số lượng du học sinh, người lao động của Huế ở đông đó là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cho biết, đang phải trải qua một năm mới ngoài trí tưởng tượng, “ai đâu ở yên đó”. Phan Vinh, quê ở Phú Vang đang làm việc tại Daejeon, Hàn Quốc cho hay, thời điểm này chính phủ Hàn Quốc đang siết chặt quy tắc phòng dịch. Các hàng quán không được đón nhiều khách, rạp chiếu phim đóng cửa sớm. “Dẫu rằng ngoài đường người ta trang trí rất đẹp nhưng dòng người chỉ vội vã đi về, không mấy ai đứng lại chụp ảnh vui chơi như những năm trước vì nỗi lo dịch bệnh”, Vinh nói và không tin vào mắt mình chỉ cách nhau đúng một năm mà mọi thứ thay đổi hoàn toàn.

Khi được hỏi về dự định quay trở về Huế đón Tết Nguyên đán, nhiều du học sinh cho biết, chưa thể nói trước được điều gì bởi tình hình dịch bệnh quá phức tạp. Thêm vào đó, thời gian di chuyển cộng với thời gian cách ly sẽ là một trở ngại nếu về quê hương đón Tết Nguyên đán, bởi như thế lịch làm việc sẽ bị xáo trộn. “Nhưng nếu mọi thứ ổn, mình sẽ về nhà để đón Tết Nguyên đán bên những người thân yêu”, Phan Vinh mong mỏi.

Nhật Minh