Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công có nhiều điểm sáng khi nhiều bộ ngành đã hoàn thành kế hoạch năm 2020

Theo ông Trần Quốc Phương, năm 2020, đại dịch tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, cụ thể sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt ngành dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nguồn vốn trong các khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chú trọng, tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhằm tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

“Với sự lan tỏa, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đã được hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế như: Ngành xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế…), các ngành công nghiệp sản xuất phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng), điều này giúp khối doanh nghiệp nói chung và người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất”, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho hay.

Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Sang năm 2021, Luật Đầu tư công mới quy định bắt buộc các bộ, ngành và địa phương phải giải ngân hết trong năm và yếu tố xử lý việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là vấn đề thị trường, cụ thể đánh thẳng vào “túi tiền.”

Theo đó, một địa phương, một bộ - ngành giải ngân thấp đồng nghĩa với việc cuối năm số tiền không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn và đó là điều thiệt thòi của địa phương, bộ, ngành đó. Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công cũng thể hiện rõ điều này, vì vậy công tác xây dựng kế hoạch đầu tư của địa phương, bộ, ngành sẽ phải chính xác hơn.

“Như trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng câu chuyện bây giờ 'nhiều' chưa chắc đã tốt. Bởi, địa phương, bộ, ngành không giải ngân được thì hệ lụy là rất lớn, bên cạnh sự giảm trừ đầu tư công trung hạn còn bị khiển trách. Do đó, các cơ quan tham mưu của bộ, ngành, địa phương sẽ phải hết thận trọng tính toán sao cho khớp nhất, rút ngắn khoảng cách thừa - thiếu giữa kế hoạch và thực tế, nhằm thúc đẩy đầu tư công hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát, rà soát và điều chuyển vốn từ các dự án chưa khởi công hoặc chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc đặc biệt các dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình đầu tư xây dựng trong những tháng cuối của năm 2020.

Nhờ vậy, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7/2020 đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong tháng 10 và 11/2020. Đơn cử, có 15 Bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11 năm 2020 đạt trên 75%, trong đó 9 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%. Về thực hiện giải ngân đối với các dự án lớn, đại diện Bộ KHĐT cho hay: Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9.962.186/10.803,276 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%...

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Trong những năm qua nền kinh tế thường giải ngân đạt 92 - 93% kế hoạch vốn đầu tư công, nếu năm nay giải ngân được 100% kế hoạch sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm. Do đó việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng quý 4/2020 và cả năm 2020.

Theo TTXVN