Tác phẩm ảnh đen trắng Chân dung COVID-19 của Ngô Thanh Minh, huy chương bạc triển lãm ảnh khu vực Bắc Trung bộ. Ảnh: vannghenghean.vn
Hai tác phẩm của Hội Mỹ thuật với hai chủ đề và hai phong cách thể hiện khác nhau nhưng lại tạo được sự cộng hưởng về ý nghĩa có tính thời sự. Vũ Duy Tâm với bức tranh Chân dung, chất liệu Acrylic thể hiện gương mặt người phụ nữ đang mang khẩu trang để phòng lây dịch COVID-19. Đôi mắt thẳm sâu, pha nét ưu tư và tâm trạng âu lo, nhưng toát lên bên sau là niềm tin mọi việc rồi sẽ tốt đẹp khi mỗi một cá nhân và cộng đồng ý thức, tự giác về việc phòng chống dịch. Còn Đặng Toản với tác phẩm Nơi hoang dã (chất liệu tổng hợp) lại đạt phẩm tính nghệ thuật trừu tượng đặc sắc. Phạm vi hiện thực được dàn đều trên mặt phẳng bức tranh là cảnh cây lá thiên nhiên hoang dã phủ kín mặt đất. Không gian thiên nhiên đó biểu trưng với chúng ta điều gì? Bên sau của cây lá, bên sâu trong lòng đất, bên xa của thời gian, tác giả không cho chúng ta biết những sự việc nào đã diễn ra, những niềm vui nào đang đến và những tai họa nào đang rình rập con người. Chúng ta yêu và tôn thờ cái đẹp trinh nguyên, hoang dã, nhưng chúng ta cũng phải biết bảo vệ và đề phòng những gì mà thiên nhiên gây tai họa với con người...
Hội Nhiếp ảnh đã cân nhắc và thống nhất chọn 2 tác phẩm đạt chất lượng cao để tham gia xét giải. Tác phẩm ảnh đen trắng Chân dung COVID-19 của Ngô Thanh Minh, đạt huy chương bạc trong triển lãm ảnh khu vực Bắc Trung bộ cũng thể hiện tư tưởng phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19 một các tự tin và bình thản. Còn tác phẩm Đợi 5 (đen trắng) của Hồ Ngọc Sơn, huy chương đồng tại cuộc thi Sunflower, Cộng hòa Sec phản ánh trạng thái đợi khách của con người và những chiếc xe xích lô trong mưa gió. Thời gian như chậm lại và nặng nề. Bức ảnh gợi cho người xem nghĩ về khung cảnh của những ngày xuất hiện dịch COVID-19 và bão lũ đã tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt là những người lao động mưu sinh thường nhật. Cả hai bức tranh của Hội Nhiếp ảnh năm nay đều thể hiện tính thời sự sâu sắc.
Hội Nghệ sĩ múa góp 2 tác phẩm dự giải. Đó là Sắc xuân đại ngàn của Mai Trung và Tự khúc Hương Giang của Phan Tuần. Sắc xuân đại ngàn của Mai Trung tái hiện khung cảnh mùa xuân xanh tươi, tràn ngập không khí sử thi của núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ. Tác phẩm thứ 2 của Hội Nghệ sĩ múa là Tự khúc Hương Giang (kịch bản và biên đạo Phan Tuần, diễn xuất: Bích Khánh và Văn Quốc) thể hiện chuyện tình giữa một chàng trai và một cô gái bên dòng Hương Giang thơ mộng. Con người, cảnh vật, không gian - thời gian huyền ảo, sương khói mơ màng thông qua nghệ thuật tương hợp, đồng hiện và gián cách rất hấp dẫn, làm hiện lên một dòng Hương vừa trữ tình, hiện thực vừa huyền ảo, siêu thực.
Hội Âm nhạc được hội đồng nghệ thuật bình chọn 2 ca khúc với 2 chủ đề khác nhau. Ca khúc Đường về nhà của Ngô Việt viết về chủ đề chiến tranh sau chiến tranh với ca từ và giai điệu trữ tình, sâu lắng, nhưng đầy tự hào, ân nghĩa đã tạo nên tính chỉnh thể nghệ thuật vững chắc cho nhạc phẩm.
Ca khúc Áo tím của nữ nhạc sĩ Tịnh Mỹ cũng đã tạo được sự tiếp nhận thẩm mỹ cao trong người thưởng thức.
Hội Nghệ sĩ sân khấu chọn và hy vọng vào trình độ nghệ thuật của các đạo diễn và diễn viên nên đã chọn ra 2 kịch bản xuất sắc trong năm để đề xuất Liên hiệp hội bình xét. Đó là vở Chuyên án Z1 và Những đứa con thời loạn. Vở Chuyên án Z1 của tác giả Mai Phương, chuyển thể sang ca kịch Huế của Nguyễn Tất Đính, đạo diễn là NSƯT La Thanh Hùng. Vở diễn được đánh giá cao trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ IV do Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Vở Những đứa con thời loạn của tác giả Xuân Đức, chuyển thể Phan Dy, đạo diễn NSND Nguyễn Ngọc Bình, cũng tham gia tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ IV.
Hội Văn nghệ dân gian năm nay vẫn thận trọng và nghiêm cẩn xét chọn 2 công trình nghiên cứu văn học dân gian của 2 tác giả uy tín để gửi Liên hiệp Hội bình xét. Đó là Tìm hiểu về vè người Việt của Triều Nguyên và Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi ở Việt Nam của Trần Nguyễn Khánh Phong.
Hội Nhà văn đề xuất, giới thiệu 2 tác phẩm tham dự. Một thơ và một truyện ngắn. Tác phẩm Nơi ấy sẽ là nhà của Nguyễn Thị Duyên Sanh xứng đáng đại diện cho thế hệ nữ viết văn ở Huế để nhận giải. Ở tập truyện ngắn này, tác giả đã bước đầu thể nghiệm và thực sự xác lập được thi pháp cá nhân của mình qua thế giới hình tượng, diễn ngôn và giọng điệu riêng để hình thành tư duy nghệ thuật theo tầm đón nhận và “cái nhìn nghệ thuật” hiện đại của độc giả hôm nay. Thương hoài thương hủy của Nguyễn Lãm Thắng lại là thi tập mới nữa của anh sau Điệp ngữ tình, Giấc mơ buổi sáng, Họng đêm và Đầu non cuối bãi. Bốn tập thơ trên một chặng hành trình dài đã cho anh nhiều kinh nghiệm để tạo nên thi pháp riêng.
Các tác phẩm đã chứng tỏ rằng sức lực, hoài bão, niềm tin và tài năng sáng tạo của từng văn nghệ sĩ Huế chưa bao giờ bình lặng, và luôn đứng trước những chân trời rộng mở của văn học nghệ thuật để có những tác phẩm mang tầm cao của nghệ thuật và cuộc sống, xứng đáng với quê hương Thừa Thiên Huế.
Hồ Thế Hà