Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: nhandan.com.vn

Tin tưởng vững chắc vào Nhân dân

Điều thứ ba trong “Những việc cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong phiên họp đầu tiên, ngày 3/9/1945, ngay sau ngày tuyên bố độc lập là: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn sau khi có Chính quyền cách mạng của mình, Nhân dân Việt Nam đã được hưởng những quyền lợi trước đó chưa bao giờ được hưởng về dân quyền, dân chủ, dân sinh, dân trí...Đời sống Nhân dân từng bước được ổn định, nạn đói bị đẩy lùi, phong trào “diệt giặc dốt” đạt kết quả to lớn với hàng triệu người thoát nạn mù chữ. Chính quyền cách mạng được bảo vệ và củng cố ngày càng vững chắc còn là điều kiện bảo đảm để tập hợp và lãnh đạo toàn dân đoàn kết, bình tĩnh và không nao núng đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược đang đến gần do những toan tính của các thế lực thực dân hiếu chiến.

Ngay sau khi giành được độc lập, giữa bộn bề công việc của chính quyền mới trước những khó khăn chồng chất do thù trong, giặc ngoài gây ra, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước đã được tiến hành chỉ hơn ba tháng sau ngày độc lập. Đây là điều chưa quốc gia nào thực hiện được trong lịch sử thế giới hiện đại sau khi lật đổ ách thống trị thực dân. Thật sự tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chính nghĩa, tin vào sự sáng suốt của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho toàn dân Việt Nam đã dám quyết định và tổ chức thành công một cuộc Tổng tuyển cử trong thời gian ngắn đến không tưởng. Sự thành công đó cũng càng khẳng định mạnh mẽ thêm ý nguyện và ý chí của toàn dân Việt Nam, hồ hởi, tự tin với quyền dân chủ trực tiếp và mới mẻ mà mình mới được trao.

“Tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”

Một tuần trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa tổng tuyển cử”, khẳng định với Nhân dân rằng: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Một ngày trước khi Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên tự tay cầm lá phiếu thực hiện quyền dân chủ “với chế độ phổ thông đầu phiếu” của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết những dòng tâm huyết và cảm động: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.... Ngày mai, Nhân dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước...”. Người viết những dòng đó khi đất nước đang trong tình thế nguy nan, chính quyền mới của Nhân dân đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, các thế lực phản động và xâm lược điên cuồng chống phá cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa non trẻ. Song tỷ lệ Nhân dân cả nước đi bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 95%, đã nói lên sự đúng đắn và hiệu quả của việc nâng cao ý thức và năng lực thực hiện dân chủ của Nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề xướng từ những bước đầu tiên.

“Xin cảm tạ đồng bào”

Ngày 6/1/1946 được Chính phủ lâm thời ấn định là ngày Tổng tuyển cử. Gần đến ngày bầu cử, Nhân dân ngoại thành Hà Nội đã gửi một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Nhiều nơi khác trong cả nước, Nhân dân cũng viết thư đề nghị Người không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào và đồng thanh nhất trí đề cử Người vào Quốc hội.

Trước tình cảm tin yêu của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư ngắn cảm tạ và đề nghị đồng bào để cho mình thực hiện quyền công dân như mọi người khác: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

Từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, hướng dẫn Nhân dân hưởng dụng quyền dân chủ và cũng là người gương mẫu thực hiện đầu tiên.

TS. Ngô Vương Anh