Lớp thanh niên trong thập niên 60, 70 chắc vẫn còn nhớ cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Xô-viết Nikolai Ostrovsky. Trong tiểu thuyết, nhân vật Pavel Korsagin có câu nói nổi tiếng: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện, hổ thẹn và đớn hèn của mình”. Tiểu thuyết được xem là cẩm nang gối đầu của lớp thanh niên trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Thời kỳ đó đã có một thế hệ thanh niên Việt Nam sống, cống hiến theo tinh thần đó và ngày nay càng phải cần phát huy. Cao hơn nữa là phải đặt sự cống hiến lên trên, không thể chỉ nghĩ đến hưởng thụ, quyền lợi cá nhân. 

Nhắc đến tấm gương Bác Hồ, Tổng Bí thư dẫn ra những câu thơ của 2 nhà thơ nổi tiếng viết về Bác Hồ. Câu thơ của nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Trên ngực áo không một tấm huy chương; dưới làn áo mỏng có một trái tim”. Nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Thông điệp từ tấm gương của những người cộng sản chân chính mà Tổng Bí thư đưa ra nhằm nhắn gửi về ý chí, sự rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, yếu tố quan trọng là giữ gìn phẩm chất nhân cách, đề cao danh dự.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lại đặt ra yêu cầu danh dự và nhân phẩm trước Đại hội XIII của Đảng. Lớp cán bộ lãnh đạo sắp tới phần lớn được trưởng thành trong thời kỳ đất nước hòa bình, không phải kinh qua lửa đạn, chưa thấu hiểu hết khó khăn của đất nước ở những thời kỳ trước. Tuy nhiên, hầu hết họ đã được thử thách trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế thị trường và có điều kiện nắm bắt biến động mới của tình hình thế giới, của đất nước. Khắc nghiệt nhất lúc này đòi hỏi người cán bộ phải vượt qua là ham muốn, sự cám dỗ vật chất, lối sống ích kỷ để giữ được phẩm chất cách mạng.

Đáng tiếc, chỉ trong một nhiệm kỳ đã có hàng ngàn đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự và trong số họ không ít người giữ chức vụ cao. Họ không giữ được phẩm giá, sa vào ham muốn tầm thường; chạy theo lối sống ích kỷ, thực dụng, thoái hóa, buông lỏng ý chí phấn đấu, gây nên những hậu quả khôn lường.

Thật đau lòng khi nhìn lại những người từng giữ chức vụ cao đã bị xử lý trong thời gian qua. Hình ảnh những người  lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang...cách đây chưa lâu còn là những người được xã hội tôn vinh, kính trọng, nay phải cúi đầu nhận những bản án kỷ luật của Đảng,  kết tội của tòa án.

Mới đây,  Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân bị Tòa án Quân sự của chính Quân chủng này đưa ra xét xử.  Ông phải cúi đầu trước Hội đồng xét xử từng là cấp dưới của mình xin cho giảm nhẹ hình phạt. Cựu Thiếu tướng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra trước vành móng ngựa phải cúi đầu nhận tội.

Cách đây  ít lâu, các ông Văn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Lê Văn Minh, Văn Hữu Chiến là những cựu lãnh đạo cao cấp của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã rơi nước mắt khi nhận những bản án rất nặng của pháp luật. Họ khóc vì án phạt, nhưng trong đáy lòng không thể không chạnh lòng khi họ đã đánh mất sự tín nhiệm của Đảng, sự quí trọng của Nhân dân.

Mất mát lớn nhất là mất danh dự, nhân cách  của người cộng sản chân chính. 

Những “năm tháng sống hoài, sống phí” khi đương chức của một số cán bộ lãnh đạo đã quên nhân cách, danh dự để rồi bây giờ mới cảm thấy hối hận. Có lẽ họ sẽ còn mãi “tiếc nuối” cho đến khi “nhắm mắt xuôi tay” chỉ vì không lường đến chuỗi ngày còn lại phải sống ê chề như vậy. Những lời nhắn nhủ nghẹn ngào, đưa tay lên ngực trái khi đọc câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi là xuất phát từ tâm  của người lãnh đạo Đảng cao nhất. Đó không chỉ là lời chỉ bảo mà còn yêu cầu nghiêm túc cần hướng tới của những người cán bộ lãnh đạo.

Giữ được nhân cách đạo đức là giữ được danh dự của mình, uy tín của Đảng và niềm tin với Nhân dân. Đừng bao giờ để phải “hổ thẹn” khi đã quá muộn. Đó chính là nội dung thông điệp mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng gửi gắm vào thế hệ cán bộ mới.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH