Bò được người dân lùa về chuồng

Chủ động

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Thông ở xã Phong Hải (Phong Điền) cho biết, khi nghe thông báo mưa lạnh, nhiệt độ thấp thì lùa ngay trâu, bò về chuồng. Chuồng trại phải che chắn, gia cố kỹ lưỡng, tránh mưa dột, gió lùa. Quá trình nuôi, ông Thông tự mua vắc xin tiêm đầy đủ, tiêu độc khử trùng chuồng trại, bổ sung thêm thức ăn tinh bột như cám, rau xanh, đường… để tăng đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho gia súc.

Chủ trang trại gà trên rú cát Quảng Vinh, ông Trần Thiện Chương chia sẻ, tiêm vắc xin đầy đủ phòng dịch bệnh cho GC là điều bắt buộc. Trong thời gian mưa rét, hằng tuần ông bổ sung thức ăn dinh dưỡng như trứng gà trộn với cám, thức ăn công nghiệp. Ngoài tiêm vắc xin, một số thuốc phòng trừ dịch bệnh trong mùa rét, ông Chương còn sử dụng tỏi ép lấy nước trộn với thức ăn nhằm tăng đề kháng cho gà. Đến thời điểm này, dù mưa rét kéo dài, có thời điểm nhiệt độ rất thấp nhưng đàn gà hơn 6.000 con vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng, mưa rét, nhiệt độ thấp làm đàn GSGC sức khỏe không tốt, rất dễ tái bùng phát các loại bệnh. Ngoài che chắn, gia cố chuồng trại chống rét, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với lực lượng thú y huyện, cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động, bắt buộc các hộ chăn nuôi tiêm vắc xin đầy đủ cho GSGC. Người chăn nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhiệt độ xuống thấp phải lùa GS về nhà nhằm đảm bảo sức khỏe, tránh dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, TS. Nguyễn Văn Hưng cảnh báo, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và các loại bệnh GSGC đang tồn tại, tiềm ần trong môi trường, có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh vẫn ngăn chặn, khống chế khá tốt DTLCP và một số bệnh nguy hiểm, chưa có dấu hiệu tái bùng phát, song nguy cơ vẫn rất cao.

Điều lo ngại, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang nhập một lượng lớn con giống, sản phẩm GSGC từ các tỉnh, thành về tiêu thụ. Trong khi đó, nhiều nơi, dịch bệnh trên GSGC đang diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn tỉnh rất cao.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh

Theo ông Hưng, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên trên đàn vật nuôi vụ đông xuân năm 2020-2021 là rất cao, ngoài các nguyên nhân trên còn do một số nguyên nhân như tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh tại nhiều địa phương còn hạn chế. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu, trong khi đó giết mổ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn (trên 80%). Tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho GSGC còn thấp, thiếu sự chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh; việc xử lý các ổ dịch cũ chưa triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật…

Chi cục CN&TY tỉnh phối hợp với các ban ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC. Ngành thú y phấn đấu tiêm vắc xin vụ đông xuân 2020-2021 đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn GSGC trong diện tiêm; xây dựng phương án, bố trí kinh phí mua vắc xin VDNC để tiêm phòng cho trâu, bò trong thời gian đến.

Các địa phương tập trung rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn giám sát, kịp thời phát hiện GS bị bệnh, nghi bị bệnh VDNC báo cáo với chính quyền, cơ quan thú y triển khai các biện pháp chống dịch. Chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp ứng phó, ngăn chặn các loai dịch bệnh hiệu quả đang được hướng dẫn nhân rộng. Hằng ngày, các hộ dân tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh có nguy cơ cao.

Ngành thú y và các địa phương đang triển khai tháng hành động tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (từ ngày 30/12/2020 đến 30/01/2021) nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường; nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Tại các chốt kiểm dịch, lực lượng thú y, liên ngành tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép…

Đầu năm 2020 đến nay, DTLCP xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố; virus DTLCP có khả năng còn lưu hành, tồn tại trong môi trường và đàn lợn khá cao. Dịch cúm GC xảy ra tại 84 xã của 28 tỉnh, thành phố, số lượng GC nhiễm bệnh tăng gần 2 lần so với năm trước. Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 194 xã của 24 tỉnh, thành phố; bệnh lợn tai xanh xảy ra tại 5 xã của 2 tỉnh. Từ giữa tháng 10/2020 đến nay, viêm da nổi cục (VDNC) là bệnh mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam xảy ra tại 83 xã, 33 huyện của 10 tỉnh, thành phố làm 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 170 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Bài, ảnh: Hoàng Thế