Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thông thường, đây là thời điểm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp. Nhưng với Tết Tân Sửu này, còn thêm nỗi lo tình trạng vượt biên trái phép vào Việt Nam khiến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch COVID-19 khó lường, có thể xóa hết những nỗ lực, thành quả trong kiểm soát dịch của nước ta suốt năm qua.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, những ngày vừa qua các lực lượng chức năng cả nước liên tục phát hiện các vụ vượt biên trái phép vào Việt Nam. Các đối tượng không chỉ là người Việt Nam đi làm ăn ở các nước mà còn có cả người nước ngoài không có giấy tờ, không rõ mục đích thật của họ trong việc nhập cảnh trái phép. Chuyện về quê đoàn tụ, ăn tết với gia đình là nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ chấp hành các quy định về xuất nhập cảnh mà còn thực hiện khai báo y tế, cách ly là điều bắt buộc, vì chính bản thân họ và gia đình, cộng đồng. Đáng tiếc, thay vì thực hiện các quy định xuất nhập cảnh, họ tìm cách vượt biên trái phép và trốn cách ly theo quy định. Thực tế, đã có đối tượng âm thầm “cõng” con virus SARS-CoV-2 vào nước ta, khiến nhiều tỉnh, thành vừa qua phải huy động các lực lượng truy tìm những người nhập cảnh trái phép và truy vết những người tiếp xúc gần với các đối tượng trên.
Với vi phạm pháp luật cả về xuất nhập cảnh lẫn phòng chống bệnh truyền nhiễm, họ không còn đơn thuần là bệnh nhân, mà có thể trở thành phạm nhân, khi các cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Nguy hiểm hơn, ở đây đã hình thành các đường dây tổ chức đưa người vượt biên trái phép vào nước ta. Các đường dây này có tổ chức chặt chẽ, theo dõi nắm quy luật hoạt động của các lực lượng chức năng để chờ sơ hở, đưa người nhập cảnh trái phép. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh biên giới, an ninh quốc gia, có thể bị các đối tượng chống phá, thế lực thù địch lợi dụng để xâm nhập chống phá nước ta.
Với Thừa Thiên Huế, số lượng người đi làm ăn xa, ở nước ngoài không phải ít, nhất là đi làm ăn ở các nước láng giềng như Lào, Thái. Thời điểm này lượng người về quê ăn tết chắc chắn sẽ tăng mạnh. Ngoài nhập cảnh các cửa khẩu đất liền ở A Lưới, họ còn nhập cảnh ở cửa khẩu các tỉnh láng giềng như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… nên việc quản lý càng phức tạp hơn, cần có những giải pháp phù hợp.
Còn nhớ, thời gian dịch bùng phát đầu năm, lượng người đi làm ăn xa đổ về rất lớn, nhưng tỉnh đã làm rất tốt công tác tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh. Được theo dõi sức khỏe, phục vụ ăn ở chu đáo, họ vô cùng xúc động, cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các lực lượng tham gia chống dịch. Giờ đây, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người thân của họ đang ở Việt Nam để họ hiểu, chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch, gạt qua một bên suy tính thiệt hơn, tránh hại mình, hại người, hại cả cộng đồng, quê hương.
Ngoài ra, cuối năm cũng là mùa cao điểm của sản xuất, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không có chứng từ, các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng... Điều này càng đòi hỏi các lực lượng chức năng nâng cao cảnh giác, kết hợp kiểm soát các trường hợp nhập cảnh trái phép với việc kiểm tra, đấu tranh với các trường hợp vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng lậu vào sâu nội địa. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ đạt hiệu quả kép, vừa góp phần phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước, để người dân được đón tết yên vui, an toàn trước dịch bệnh.
Hoàng Minh