Nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo người dân ở tất cả các nước đều được tiếp cận và tiêm chủng vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters/Báo Nhân Dân

Biến thể mới lây lan nhanh

Cụ thể, các nhà khoa học đã theo dõi nhiều đột biến của biến thể SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19 kể từ khi nó xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2019. Phần lớn các đột biến không làm thay đổi đáng kể về mặt độc tính và khả năng lây lan của virus. Tuy nhiên, biến thể B117 xuất hiện ở Đông Nam nước Anh vào tháng 9 và biến thể 501.V2 được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 10 lại có nhiều điểm khác biệt, đáng chú ý nhất là sự thay đổi trên protein gai của virus – vốn là chìa khóa để virus xâm nhập vào tế bào người và lây lan. Chính điều này làm cho các chủng virus biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng khác.

Về tốc độ lây nhiễm, tuy chưa được các nhà khoa học khác đáng giá, nhưng một số nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng biến thể SARS-CoV-2 ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các chủng biến thể khác. Nhóm tư vấn về Mầm bệnh hô hấp mới nổi (NERVTAG) của chính phủ Anh đã ước tính biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 50% - 70%. Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London cũng công bố nghiên cứu hàng nghìn chuỗi gen của SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Anh từ tháng 10 đến tháng 12 và phát hiện biến thể mới có hệ số lây nhiễm cao hơn từ 0,4 đến 0,7 so với virus chưa biến chủng.

Các nghiên cứu sơ bộ về chủng biến thể ở Nam Phi cũng cho kết quả lây nhiễm cao hơn.

Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các virus đột biến mạnh hơn so với bình thường. Nhưng chỉ riêng việc khả năng lây nhiễm cao đã đặt ra một thách thức vô cùng lớn.

Bruno Coignard, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Cơ quan y tế Công cộng quốc gia Pháp Sante Publique France trả lời với báo giới: “Khả năng lây nhiễm tăng sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều và ngay khi có cùng tỷ lệ tử vong cũng thì áp lực đặt lên hệ thống y tế là vô cùng nặng nề”.

Vậy câu hỏi đặt ra và rất cần được giải đáp là vaccine liệu vẫn hoạt động để đối phó và chủng ngừa các chủng biến thể này?

Toàn cầu hóa vaccine COVID-19

Được biết, việc phát triển và phê duyệt vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả trong chưa đầy 1 năm sau khi bùng phát đại dịch là một thành tựu xuất sắc đáng chú ý, mang đến hy vọng về kết thúc đại dịch sẽ nằm trong tầm tay. Những gì xảy ra trong những tháng tới – thậm chí là trong vài tuần tới cũng sẽ là những sự kiện đáng chú ý: vaccine COVID-19 sẽ được cung cấp cho mọi người trên khắp thế giới – không chỉ ở những nước giàu nhất mà là cho tất cả mọi người, vào cùng lúc.

Theo đó, vaccine sẽ đến tay phần lớn công dân các nước giàu trong quý I/2021 và người dân các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp cũng sẽ bắt đầu tiếp cận với

vaccine. Tốc độ và quy mô mà vaccine đang được cung cấp có thể nói là phi thường và cần thiết để chấm dứt đại dịch. Quan trọng, điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ sự thể hiện chưa từng có trong tình đoàn kết toàn cầu và sự ủng hộ đa phương dành cho COVAX, cơ chế trung tâm trong nỗ lực tiêm chủng vaccine COVID-19 của thế giới.

Trong một thông tin có liên quan, COVAX sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai 2 tỷ liều vaccine trong năm tới, tiếp cận người dân ở 190 quốc gia và nền kinh tế, bất kể khả năng chi trả của họ có đủ hay không. Trên thực tế, cần đảm bảo đủ lượng vaccine cần thiết để bảo vệ tính mạng cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên xã hội trên toàn thế giới vào giữa năm 2021.

Thêm vào đó, chúng ta không thể chỉ triển khai tiêm chủng cho một số người ở 1 số quốc gia. Phải bảo vệ tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi trên Trái đất. Tuy nhiên, khi vaccine được tung ra, nhu cầu đã vượt xa nguồn cung vẫn còn hạn chế. Một số chính phủ đã mua nhiều hơn liều lượng họ cần. Việc phân bổ vaccine cho các nước trả giá cao hơn được khẳng định sẽ chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng, chủ nghĩa dân tộc vaccine chính là vấn đề mà COVAX được tạo ra để giải quyết.

Nhìn chung, để thoát khỏi đại dịch, con người cần tránh thảm kịch năm 2009, khi một số lượng nhỏ các nước giàu đã mua phần lớn nguồn cung vaccine H1N1 trên toàn cầu, khiến phần còn lại của thế giới không đủ lượng sử dụng. Vì vậy, liên minh GAVI/COVAX cần đảm bảo vaccine COVID-19 được phân bố cho những người sống tại 92 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Bằng cách thực hiện các thỏa thuận với nhà sản xuất, cho đến nay, COVAX đã đảm bảo khoảng 1 tỷ liều cho người dân ở các quốc gia này. Song hiện vẫn thiếu rất nhiều liều nữa. Tất cả các nhà sản xuất phải đẩy mạnh và cung cấp vaccine của họ với giá cả phải chăng cho COVAX để kịp thời triển khai tiêm chủng toàn cầu.

Nhìn chung, bên cạnh những nỗ lực về điều chế, sản xuất và phân phối vaccine, người dân cần phải cảnh giác hơn nữa trong các biện pháp phòng ngừa để làm chậm sự lây lan của COVID-19 bằng cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu là gần 2m, tránh đám đông, rửa tay thường xuyên, giữ gìn không gian sống thông thoáng..., Henry Walke từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ khẳng định.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Worldmeters & The ASEAN Post)