Người lao động xếp hàng dài bên ngoài Văn phòng Sở Lao động thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Cụ thể, Tạp chí Nikkei Asia đã phân tích số liệu thống kê về lao động từ 10 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Vương quốc Anh..., và phát hiện ra, tổng số người trong lực lượng lao động kết hợp đã giảm 6,6 triệu người trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020, so với cùng kỳ trong năm 2019.

Trong đó, những người trẻ tuổi và những người từng làm việc bán thời gian chiếm phần lớn. Điều đáng buồn hơn là những người trẻ tuổi trong nhóm này cũng có thể bỏ lỡ các cơ hội để đạt được loại kỹ năng và kinh nghiệm làm việc giúp đẩy mạnh sự nghiệp của họ.

Trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên, đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ, vốn ở mức khoảng 3% trước khi đại dịch bùng phát, đã tăng vọt lên 14,8% vào tháng 4/2020. Bên cạnh đó, số người thất nghiệp cũng tăng lên ở Nhật Bản.

Đại dịch đặc biệt tác động những người dễ bị tổn thương trong thị trường việc làm. Ở Mỹ, trong thời gian từ tháng 4-9/2020, số người có việc làm ít hơn 9,9% so với một năm trước đó. Tại Nhật Bản, số người có thu nhập hàng năm dưới 1 triệu yen (tương đương 9.600 USD) đã giảm 1,09 triệu người từ tháng 7-9/2020, so với một năm trước đó. Hơn nữa, thị trường việc làm xấu đi có thể khiến mọi người ít có động lực làm việc hơn.

Tạp chí Nikkei Asia đã xem xét nguồn lao động ở Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nam Phi và Thái Lan. Đối với những người trong thị trường lao động, đội ngũ lao động của họ đã giảm 15,35 triệu người, xuống còn 439,33 triệu người trong quý II tính từ tháng 4-6/2020, khi một số quốc gia đang phải chiến đấu với làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2014, khi các số liệu thống kê so sánh bắt đầu được ghi nhận. Trong quý III năm 2020, 6,6 triệu người khác đã rời khỏi thị trường lao động, so với một năm trước đó. Khi đại dịch bắt đầu hoành hành trong quý IV năm ngoái, một số quốc gia đã rơi vào tình trạng phong toả, khiến nhiều trường hợp không thể tìm được việc làm.

Ở Mỹ, khi những người từ bỏ tìm kiếm việc làm được tính là những người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp trên thực tế trong tháng 12 năm ngoái là 9,8%. Tại Nhật Bản, số người từ bỏ tìm việc làm cũng gia tăng. Viện Nghiên cứu Nhật Bản ước tính, trong giai đoạn 2018-2019, số người bị mất việc làm và không tìm kiếm việc làm trong tháng tiếp theo vào khoảng 1,1% lực lượng lao động. Con số này tăng lên mức 1,3% vào nửa cuối năm 2020.

Hiện tại, một làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang lây lan trên toàn cầu. Nhật Bản ngày 7/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận. Khi việc phục hồi việc làm theo hình chữ V có vẻ khó xảy ra, nhu cầu về sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm chuyển đổi động lực có thể sẽ tăng lên.

Theo ông Hisashi Yamada, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật Bản: "Các Chính phủ cần áp dụng chính sách khiến mọi người quay trở lại thị trường việc làm, làm việc trong những ngành đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, chẳng hạn như ngành điều dưỡng".

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)