Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trung ương về triển khai nhiệm vụ ngành lao động, người có công và xã hội năm 2021

Ổn định an sinh xã hội                                                   

Năm 2020, Bộ LĐTB&XH triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân. Trong đó thực hiện gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả; hướng dẫn các doanh nghiệp phương án hỗ trợ, thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Trong năm 2020, Bộ tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội, tạo lập khuôn khổ pháp lý ngày càng minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế- xã hội. 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị trực tuyến

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá giai đoạn 2016-2020, với sự nỗ lực của toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng. Đã hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của Nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế. Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển, thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế. 

Năm năm qua, quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% lên khoảng 24,5%. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH, các đơn vị trực thuộc sở và các phòng cấp huyện theo dõi, tiếp thu hội nghị

Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt, đời sống người có công được nâng lên. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú. 

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020. Như ông Đào Ngọc Dung khẳng định, thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành "một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới". 

Đến nay, có trên 3,1 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên. Thu nhập của người lao động được cải thiện, độ bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng được mở rộng. Nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt trên 1 triệu người, tăng 365% so với cuối năm 2015, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội được thực hiện hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, kiểm soát và đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.

Huy động sức mạnh tổng lực

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bên cạnh đánh giá cao những mặt đạt được của ngành lao động, thương binh và xã hội cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện một số chính sách, nhiệm vụ về đào tạo nghề, lao động việc làm, hỗ trợ khẩn cấp... Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong 7 mảng công việc của ngành đều liên quan và cần sự nỗ lực, chung tay của các bộ, ngành, các cấp, toàn xã hội. Đơn cử trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, Bộ LĐTB&XH là cơ quan đầu mối tổng hợp, kiến nghị, xây dựng chính sách, nên muốn giảm nghèo thành công, bền vững đòi hỏi ngành kinh tế phải phát triển. Để làm được đều này, cần các bộ, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện đồng bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo tại hội nghị

Năm 2020, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng lên đứng vị thứ 49 trên toàn thế giới. Đây là thành tựu về sự phát triển liên tục trong nhiều năm của Việt Nam được cộng đồng thế giới công nhận, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành lao động, thương binh và xã hội.

Bên cạnh phẩm chất cần cù, kiên trì tích lũy trong nhiều năm để có được những đột phá trong xây dựng thể chế, kiến nghị, thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn, đảm bảo chính sách người có công cách mạng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH cần sâu sát thực tế địa phương trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ cho những đối tượng, trường hợp còn khó khăn. Để góp phần ổn định xã hội, tăng lòng tin của Nhân dân đối với Nhà nước, chế độ, vai trò của các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cần được huy động toàn lực để cùng Chính phủ tiếp tục chăm lo đời sống người dân và nhất là đối tượng yếu thế.

Ngành LĐTB&XH cần sớm đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý, công nhận và chi trả kịp thời cho các đối tượng người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, để đảm bảo an sinh xã hội tốt, ngành và các địa phương phải đảm bảo phát triển tốt chính sách bảo hiểm, phải huy động mọi đối tượng lao động cùng tham gia.

Trước tiên, để đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐTB&XH đề ra mục tiêu năm 2021 cần bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG