Kiểu xả rác "độc chiêu"

Trời lạnh giá, được thầy thuốc khuyên là không nên dậy và ra ngoài tập thể dục quá sớm. Nhưng nếu muộn thì không kịp thời gian để chở con đi học. Cân nhắc thời gian và công chuyện, tôi quyết định đưa con đến trường, sau đó về cơ quan cất xe, rồi bắt đầu làm một cuộc đi bộ, độ nửa tiếng đến 45 phút, rồi ăn sáng và vào làm việc là vừa đẹp.

Do nằm ở trung điểm, nên tuyến đi bộ thể dục của tôi có ngày thì ngược lên cầu Ga, làm một vòng công viên Dã Viên và về; có ngày thì cắt qua đường Lê Lợi, vào đường dạo phía sau nhà hát Sông Hương, dọc lên cầu gỗ lim, rồi quay lại. Tuyến nào cũng đẹp, cũng thú vị và cự ly nói chung là vừa đủ để căng chân. Tuy nhiên, một vài lần như thế lại bắt gặp cảnh tượng rất chán. Ấy là rác! Rác “bỏ quên” trên các ghế đá, giữa các lối đi ở công viên Dã Viên. Rác ném xuống bờ kè dọc đường đi bộ sau lưng nhà hát Sông Hương. “Độc chiêu” hơn là có ai đó còn xả rác bằng cách nhét ngay giữa bức tượng đá - một tác phẩm điêu khắc được tác giả tặng lại cho người dân xứ Huế sau một kỳ festival điêu khắc quốc tế được tổ chức tại công viên Lê Lợi (!??).

Chắc hẳn sẽ không ít người trách: Vậy chớ công nhân môi trường, công nhân quản lý công viên cây xanh đi đâu hết mà rác không dọn? Tôi cũng từng trách như vậy và đã bất ngờ bị một người quen đang công tác ở đơn vị công viên cây xanh đổ quạu: Anh chị em công nhân lo lắm chứ. Bảnh mắt cái là quần quật vào việc. Vậy mà cứ dọn đầu này, đầu kia đôi lúc đã lại có người xả. Dân mình nói chung nhiều người ý thức, nhưng cũng không thiếu người vô ý thức, ai chết mặc ai, ai sạch mặc ai, họ cứ tiện là vứt, tiện là xả. Xui xẻo cho anh chị công nhân nào đó, vô tình có bác lãnh đạo vui chân tạt vào, gặp đúng lúc có người vừa tiện tay xả rác chưa lâu, vậy là điện thoại phê bình giám đốc. Dĩ nhiên sau đó là nhân viên lãnh đủ. Oan ấy đúng là… thấu trời!

Kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi đúng chỗ không phải chỉ đến “Ngày Chủ nhật xanh” ra đời mới có, mà đã được tiến hành, vận động từ rất lâu rồi. Đến khi có phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, việc tuyên truyền vận động, kêu gọi ý thức càng được hâm nóng và lan tỏa mạnh mẽ. Vậy nhưng như đã nói, vẫn còn đó nhiều người xem như “bất biết”, xem chủ nhật xanh, xem bảo vệ môi trường, dọn rác là chuyện của ai đó chứ mình không liên can. Tệ hại hơn là những người này không chỉ bàng quan, không hưởng ứng, không tham gia mà lại còn xả. Xả điềm nhiên, xả mọi lúc mọi nơi, và cả xả một cách “ngụy tặc” như trường hợp ở pho tượng mà trên đã kể.

Vậy làm thế nào để chuyển đổi ý thức của những người này? Tuyên truyền vận động đã nhiều rồi, bây giờ, không cách nào khác là phải tăng cường phạt. Phạt ráo riết, phạt nặng và phạt không bỏ sót. Huế ta đang hướng đến đô thị văn minh, hệ thống camera giám sát đang ngày mỗi nhiều và có lẽ không lâu nữa sẽ được phủ khắp. Huế-S cũng đang ngày càng phát huy tác dụng và được người dân rất hưởng ứng, ủng hộ. Đó là những cơ sở để có thể tiến tới xử lý các hành vi xả rác, phóng uế nơi công cộng.

Không tây không tàu đâu xa, cứ nhìn sang Singapore cạnh ta thôi là thấy. Tại sao đảo quốc này họ sạch sẽ văn minh thế? Ấy là do người ta áp dụng chế tài xử phạt rất nghiêm. Người vi phạm bất kể là ai, con dân của đảo hay là du khách, cháu con bá tánh hay cháu con nguyên thủ cũng vậy, cứ vi phạm là xử. Không chỉ phạt tiền mà còn phạt roi, phạt lao động công ích. Làm nghiêm như thế cho nên không chỉ cư dân đảo quốc lo chấp hành, mà cả du khách đặt chân đến đây cũng răm rắp tự giác. Đấy, cứ theo bạn mà làm, chắc chắn chuyển biến ngay! Đừng ngại dư luận phản ứng. Phạt vì văn minh, phạt vì bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống tươi đẹp của cả cộng đồng. Tin rằng không ai là không ủng hộ.

Bài, ảnh:  Hiền An