Điều người dân quan tâm là xã thông minh sẽ có gì khác biệt?

Câu trả lời là bước đầu, tại Quảng Thọ, ngoài trang thông tin điện tử của xã, địa phương đã được lắp đặt 19 camera an ninh trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học để kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng. Đến nay, Quảng Thọ đang triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3; sử dụng phần mềm văn bản đến và đi trên môi trường mạng; ký số ban hành văn bản và báo cáo số 100% theo định kỳ. Cáp quang cũng được triển khai về tận thôn, xóm. Xã cũng đã áp dụng thông tin tổng hợp số, xây dựng trang web cho 2 hợp tác xã và đang tiến tới phổ cập tài khoản ngân hàng. Các mô hình thanh toán QR tại các chợ, cửa hàng cũng được triển khai song song với hỗ trợ hệ thống họp không dây...

Theo lãnh đạo địa phương, bước đầu xây dựng, xã thông minh đã tác động lớn đến nhận thức, thay đổi tư duy quản lý Nhà nước, xử lý nghiệp vụ và phương thức kết nối với người dân, doanh nghiệp bằng dịch vụ phản ánh hiện trường được kết nối với tỉnh, huyện. Nhiều vấn đề được giải quyết nhanh, hiệu quả bằng phương tiện số từ tiếp nhận, phân phối, xử lý, tương tác.

Mới đây, tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2021, về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2054, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, cùng với văn hóa, du lịch, y tế - giáo dục là nền tảng, mục tiêu, công nghệ chính là động lực phát triển. 

Để xây dựng thành phố thông minh trong tương lai, làm động lực cho phát triển, nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống đã được tỉnh triển khai, đầu tư quyết liệt. Không chỉ tiếp nhận, xử lý thông tin hiện trường từ tương tác với người dân; giám sát, hỗ trợ thực hiện dịch vụ hành chính công; phòng chống thiên tai, dịch bệnh...; mới đây, chức năng ứng dụng công nghệ số được áp dụng với dịch vụ thông báo cho người dùng các điểm ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn thành phố Huế được Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh triển khai. Hay hệ thống đo lường, giám sát môi trường tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, các hồ đập, các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt... cũng vừa được lắp đặt nhằm công khai minh bạch chỉ số an toàn môi trường, giúp cơ quan quản lý, người dân giám sát, phòng tránh.

Với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, giúp các đối tượng thụ hưởng có thể khai thác hiệu quả, dễ dàng các ứng dụng và dịch vụ công nghệ mọi lúc, mọi nơi, cùng với xây dựng đô thị thông minh, sau giai đoạn thí điểm, mô hình xã thông minh sẽ được nhân rộng, hướng đến chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn thông minh kết nối đô thị thông minh.

Dĩ nhiên, lộ trình thông minh này đòi hỏi sự đầu tư về hạ tầng và nhân lực như xây dựng phòng giám sát điều hành xã thông minh, đưa cáp quang về tận thôn, bản; phổ cập smartphone; hình thành dịch vụ y tế - giáo dục thông minh; triển khai hệ thống giám sát an ninh thôn xóm bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo; hình thành mô hình hợp tác xã số, nông nghiệp thông minh; triển khai các giải pháp thương mại điện tử, quảng bá du lịch nông thôn bằng công nghệ VR3D mapping...

Nhưng bên cạnh hạ tầng và con người, điều quan trọng khác, theo Chủ tịch  UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, để cuộc cách mạng số nhanh và hiệu qủa, mỗi địa phương, đơn vị phải sẵn sàng, chủ động tiên phong thay đổi, thích nghi để bắt kịp, không tụt hậu trong hội nhập và phát triển trước xu hướng và yêu cầu số hóa.

Nhật Nguyên