Lại nhớ đến những bạn trẻ và không còn trẻ nữa ở Chi đoàn và cơ quan tôi, cũng trong những ngày mưa rét đợt trước, họ đã lên chuyến xe chất đầy áo ấm cho học sinh vùng cao. Trước đó, kế hoạch tưởng như phải huỷ bỏ do có chút trục trặc phía nhà tài trợ. Song, khi đăng thông tin này trên trang cá nhân, họ đã nhận được nhiều hơn cả số lượng 200 áo ấm như ban đầu cùng một số vật dụng thiết yếu khác.
Tôi đã nhìn thấy những đôi mắt tròn xoe của bọn trẻ vùng cao ánh lên niềm hân hoan khi cầm trên tay chiếc áo mới. Chúng xúng xính trong chiếc áo ấm rồi xoay trước ngó sau ra chiều ưng ý lắm.
Cũng trong đoạn clip ngắn mà những bạn trẻ gửi về, tôi cũng thấy niềm khát khao từ những người bố, người mẹ. Hẳn là họ cũng mong có thêm nhiều chiếc áo ấm khác cho con và cả họ nữa. Nhưng, quà chỉ giới hạn được ở đó, những người làm thiện nguyện chỉ dám hứa nếu có thể lần sau họ sẽ trở lại với nhiều hơn những sự hỗ trợ. Còn tôi cứ nghĩ mãi về những ánh mắt ấy.
Đi nhiều nơi, gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, thế nên, có lẽ với những người làm báo và thiện nguyện, họ đã có duyên gặp gỡ và kết nối giúp đỡ được rất nhiều những mảnh đời. Hoặc chỉ bằng cách đưa thông tin đến bạn đọc để người khó khăn được giúp đỡ cũng là cách làm thiện nguyện hiệu quả. Nếu vừa viết báo, vừa làm thiện nguyện thì hiệu quả càng gấp đôi. Và, tôi đã thấy rất nhiều đồng nghiệp của mình ở khắp nơi làm tốt cả hai công việc ấy. Không nói đâu xa xôi, ở cơ quan tôi cũng có rất nhiều phóng viên xem thiện nguyện là công việc song hành cùng nhiệm vụ tuyên truyền. Và họ đã làm rất tốt. Ở các báo bạn lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị... qua facebook cá nhân, báo điện tử, tôi cũng thấy nhiều đồng nghiệp trẻ của mình có những cách làm sáng tạo để giúp đời, giúp người.
Như chương trình “Ly cà phê yêu thương” do Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng tổ chức cũng giúp ích rất nhiều cho những mảnh đời kém may mắn...
Dẫu biết rằng, công tác thiện nguyện sẽ không bao giờ đủ bởi lúc nào cũng có những hoàn cảnh đáng thương cần được giúp đỡ. Thế nhưng, không vì thế mà việc làm, hành động nhỏ để giúp người khó khăn, ngặt nghèo không được động viên, lan toả. Bởi ngoài kia còn rất nhiều mảnh đời co ro trong giá rét. Thế nên, tôi đã nói với những vị phụ huynh của con khi họ phàn nàn trong buổi họp giữa năm về việc con mình phải ngồi học nơi căn phòng lộng gió, rằng những đứa trẻ chỉ quen sống trong chăn êm nệm ấm làm sao hiểu được cảm giác lạnh buốt xương khi lội xuống đồng giúp ba mẹ cày bừa cho mùa xuống đồng cuối năm. Chúng làm sao hiểu được để có bát cơm dẻo thơm là cả những ngày còng lưng cho mưa dội trên đầu, nước lạnh dưới chân. Làm sao để chúng có thêm động lực cho những mục tiêu của cuộc đời mình khi không trải qua những ngày gian khó?!
Lúc đó, tôi đã nghĩ về những người cha, người mẹ run run chờ con nhận áo ấm và tôi cũng nhớ về mình trong những tháng ngày xa xôi.
Hồng Tâm