50% lượng hạt bụi mịn trong không khí tại miền Tây nước Mỹ là do các đám khói cháy rừng gây ra. Ảnh minh họa: TTXVN

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford và Đại học California, San Diego – nhóm tác giả của nghiên cứu, cho biết ngay cả khi lượng khí thải ô nhiễm giảm từ các nguồn khác bao gồm khí thải xe cộ và nhà máy điện nhưng lượng khí thải từ các đám cháy vẫn tăng mạnh.

Các phát hiện nhấn mạnh mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra vì BĐKH góp phần làm nên các vụ cháy rừng thảm khốc như những vụ cháy rừng khổng lồ ở California và Tây Bắc Thái Bình Dương vào năm 2020. Trên toàn nước Mỹ, cháy rừng là nguồn gây ra tới 25% ô nhiễm bụi mịn trong một số năm, các nhà nghiên cứu cho biết.

Ông Marshall Burke, Phó Giáo sư khoa học hệ thống trái đất tại Stanford và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Hầu hết mọi người không nhìn thấy mực nước biển dâng. Hầu hết mọi người không bao giờ nhìn thấy bão. Nhiều người sẽ thấy khói lửa do BĐKH.” Nghiên cứu đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh về các chùm khói và dữ liệu chất lượng không khí của chính phủ Mỹ để mô hình hóa mức độ ô nhiễm do hỏa hoạn gây ra trên toàn quốc từ năm 2016 đến năm 2018 so với một thập kỷ trước đó. Kết quả của họ phù hợp với các nghiên cứu trước đây về phát thải khói trong các khoảng thời gian trước đó và các khu vực địa lý hạn chế hơn.

Các đám cháy rừng lớn tạo ra đám khói dày đặc với các hạt vi bụi có thể bay xa hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn dặm. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của các đám cháy trong những năm gần đây là nhiệt độ trái đất ấm hơn, hạn hán và nhiều thập kỷ áp dụng phương pháp chữa cháy tích cực làm tích tụ nhiên liệu rừng.

Các đám cháy trên khắp miền Tây nước Mỹ đã phát thải hơn một triệu tấn ô nhiễm dạng hạt trong các năm 2012, 2015 và 2017, và gần như nhiều hơn vào năm 2018. Theo các cơ quan y tế và các nhà nghiên cứu, các hạt khói từ những đám cháy rừng này được cho là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe, từ khó thở đến tăng đột biến số người chết sớm.

Ông Dan Jaffe, một chuyên gia về ô nhiễm do cháy rừng tại Đại học Washington cho biết, nghiên cứu mới phù hợp với nghiên cứu trước đó ghi nhận tỷ lệ ô nhiễm do khói cháy rừng ngày càng tăng. Ông Jaffe nói thêm rằng nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách quản lý rừng tốt hơn và vai trò của việc đốt thực bì theo quy định. “Giờ đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về cách quản lý hành tinh cẩn thận hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã làm.”

Anh Tuấn (Lược dịch từ AP)